Dân Việt

Mơ ước hình thành hệ thống làng nghề

25/10/2011 07:59 GMT+7
(Dân Việt ) - Trong vòng 1 năm, nghệ nhân Nguyễn Tấn Thỉnh - Giám đốc Công ty Phú Mỹ Lộc (Đại Bái, Gia Bình, Bắc Ninh) đã tổ chức hàng chục lớp học nghề đồng mỹ nghệ, tạo dựng nhiều làng nghề từ Bắc vào Nam.

Tạo việc làm - ưu tiên số một

Đó là mục tiêu đầu tiên khi nghệ nhân Thỉnh triển khai dự án dạy nghề gò, đúc đồng mỹ nghệ, tranh đồng theo Đề án 1956 của Chính phủ: “Cơ hội việc làm của thợ đúc, gò đồng có nhiều, nhưng việc đào tạo thợ trẻ lành nghề thì không hề dễ. Hiện nay, các làng nghề trong nước mới chỉ đáp ứng 20 – 30% nhu cầu, đa số các sản phẩm đều được nhập ngoại, trong khi đó các làng nghề Việt Nam đều đủ điều kiện sản xuất, nhưng lại thiếu nguồn nhân lực có tay nghề” ông Thỉnh phân tích.

img
Học viên thực hành tại xưởng đồng của Công ty Phú Mỹ Lộc.

Với nhận định như vậy, ông Thỉnh đã liên hệ với Ban chỉ đạo Đề án 1956, đề xuất các lớp học nghề ở Nam Định, Đồng Nai và tới đây là Quảng Nam, Đà Nẵng.

Ông Thỉnh nói: “Theo Đề án 1956, mỗi học viên được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/khoá học. Khoản tiền này không thể đủ mua nguyên vật liệu vì nguyên liệu nghề đồng rất đắt. Tuy vậy, chúng tôi vẫn nhận mở lớp, cử giáo viên, đưa nguyên vật liệu…”.

Tháng 7,8 vừa qua, ông Thỉnh đã mở 2 lớp ở Long Biên, Hà Nội. Học viên ở xa về học được ăn ở miễn phí và được hỗ trợ tiếp tiền công học việc. Sau khi hoàn thành khoá học, các học viên đều quay lại quê nhà để mở xưởng làm ăn.

Nói về thu nhập, các thợ cả ở xưởng đều cho biết, đây là nghề có thu nhập khá. Thợ cả có mức công khoảng 300.000 đồng/ngày, thợ mới học nghề cũng có thể đạt 100.000 đồng/ngày. “Các học viên sau khi học nghề có thể ở lại làm tại xưởng của tôi, hoặc tự mở xưởng tại quê. Nhưng hầu hết các em đều về quê để làm nghề”- ông Thỉnh cho biết.

Cần ý chí và sự sáng tạo

Nghề đúc, gò đồng, chạm khảm rất cần tính kiên trì và ý tưởng sáng tạo của người thợ. Học viên Nguyễn Văn Huy (Giao Thủy, Nam Định) chia sẻ: “Những ngày đầu vào làm, chưa quen việc nên tôi hay bị bỏng vì hơi nóng bốc lên, lúc đó thấy nghề vất vả mà nản. Sau khi tác phẩm đầu tiên của mình ra lò hoàn chỉnh, tôi thấy tự hào”.

Học viên Trần Văn Phong (Giao Thủy, Nam Định) tâm sự: “Bây giờ thanh niên đều chọn cho mình con đường vào ĐH, CĐ nhưng đó không phải là duy nhất. Học để có nghề chứ không phải để có bằng. Bởi vậy, học nghề đúc đồng sẽ là cơ hội giúp tôi, cũng như các bạn thanh niên nông thôn ổn định đời sống. Hiện nay, tôi đang làm thợ cho công ty, trừ tiền ăn và ở tại xưởng, tôi được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng”.

Thực hiện Đề án 1956, nghệ nhân Nguyễn Tấn Thỉnh đã tham gia viết giáo trình 3 nghề: Đúc đồng, chạm khảm tranh đồng và đồng mỹ nghệ. Ông Thỉnh cho hay, ngoài dạy nghề, công ty còn giao lưu với các làng nghề làm đồng trong cả nước để xây dựng bộ giáo trình chuẩn, hấp thụ được tinh hoa của nghề đồng truyền thống.

Kỹ sư đúc đồng Đỗ Công Đức - giáo viên đứng lớp cho hay, để có thể giỏi nghề và phát triển nghề thì trong quá trình đào tạo, bản thân học viên phải có lòng nhiệt huyết và say mê với nghề, có ý tưởng sáng tạo cũng như khiếu thẩm mỹ. “Tác phẩm tạo thành căn cứ theo mẫu âm bản, đầu óc thẩm mỹ cũng như ý đồ tác giả. Đặc biệt nó phải thể hiện được hồn của nhân vật. Tuy nhiên, để nghề đúc, gò đồng, chạm khảm phát triển và có giá trị kinh tế còn phụ thuộc vào kỹ năng, bí quyết gia truyền mà học viên được đào tạo”, kỹ sư Đức cho hay.

Ông Thỉnh tự hào, nhờ có học viên trong Nam ngoài Bắc nên đã hình thành được hệ thống làng nghề đúc đồng, nghề đồng mỹ nghệ. Trong tương lai, nghề này sẽ góp phần thay đổi diện mạo nhiều làng quê.