Ngày 22.4, Quỹ phát triển Sử học Việt Nam (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đã tổ chức Lễ tuyên dương và trao thưởng học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử cho 133 học sinh. Trong đó, có 6 em đạt giải nhất, 59 giải nhì và 68 giải ba. Giải nhất năm nay thuộc về học sinh các trường: THPT chuyên Bắc Giang (2 giải); THPT chuyên Tuyên Quang (2 giải); THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) và THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình).
6 học sinh đạt giải nhất đều là nữ và rất xinh đẹp, duyên dáng. Điểm số các em cũng được đánh giá là cao hơn so với mọi năm, đồng đều là 17,75 và 17,50.
Dưới đây là chia sẻ tâm huyết về SGK của 3 trong 6 nữ sinh đạt giải nhất quốc gia môn Sử năm nay:
Em Nguyễn Phan Huyền Anh, THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) - Giải nhất:
"Cần nói đến tổn thất để “thấm” hơn ý nghĩa chiến thắng"
Nếu học Sử mà chỉ học theo SGK thì không đủ kiến thức và chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút học sinh. Bởi lẽ, SGK Sử hiện tại dung lượng kiến thức tuy nhiều nhưng chưa được tinh lọc. Cái gì thừa vẫn thừa, cái gì thiếu vẫn thiếu.
Các sự kiện nhiều, các con số, ngày tháng cũng nhiều khiến cho việc nạp kiến thức của học sinh gặp khó khăn. SGK mới nên cho thêm các hình ảnh minh họa các cuộc chiến đấu, sơ đồ trận đấu, các số liệu thì nên đưa thành bảng biểu... để học sinh dễ đọc và so sánh hơn. Ngoài ra, các cuộc chiến đấu được ghi lại trong SGK thường chỉ nhắc tới chiến thắng của quân ta mà không nói đến tổn thất. Những tổn thất xương máu ông cha để lại dù là bi thương nhưng cũng rất cần biết để từ đó “thấm” hơn ý nghĩa của chiến thắng.
Em Nguyễn Phan Thảo Uyên, lớp 11 trường THPT chuyên Bắc Giang - Giải nhất:
“Kiến thức quá lạc hậu, không cập nhật”
Có rất nhiều kiến thức lịch sử mới chưa được cập nhật trong SGK. Sự kiện mới nhất trong sách là năm 2.000. Vấn đề về chiến tranh biên giới, hải chiến Hoàng Sa, vấn đề Trường Sa cũng chưa có hoặc có rất ít. Khi ôn thi học sinh giỏi quốc gia, chúng em phải tự tìm hiểu trên mạng, tivi và các nguồn thông tin khác và qua hướng dẫn của giáo viên.
Tuy nhiên, theo em những kiến thức đó rất cần thiết được chuẩn hóa trong sách để không chỉ học sinh giỏi Sử quan tâm tìm hiểu mà tất cả các học sinh khác cũng phải được giảng dạy, biết đến. Đó là lịch sử, cội nguồn dân tộc, là những cuộc chiến bằng máu xương của ông cha ta bảo vệ hòa bình vì vậy chúng em rất cần được biết qua những nguồn chính thống.
Em Ong Thị Thương, lớp 12 Sử THPT chuyên Bắc Giang - Giải nhất:
“Nên đưa Sử thành môn bắt buộc”
Môn Sử đang ngày càng bị “thất sủng” trong trường học, học sinh ngày càng ít chọn Sử là môn học để dự thi kỳ thi THPT quốc gia. Chỉ còn những bạn theo khối C là học Sử và theo đuổi môn học này. Đó là một sự thực đáng buồn. Lý do môn này không được yêu thích thì nhiều: là môn khó học, SGK khô khan, kiến thức nhiều, dạy không hấp dẫn...
Tuy nhiên, môn Sử rất quan trọng, nếu không biết về lịch sử con người sẽ mất đi cội nguồn và những giá trị, động lực để phấn đấu ở hiện tại và tương lai. Vì vậy, cần đưa Sử thành môn học chính, môn thi bắt buộc trong các kỳ thi. Có thể các bạn không yêu thích môn học này nhưng buộc phải biết về nó, buộc phải hiểu về lịch sử dân tộc. Đó là điều cốt yếu trong sự phát triển của mỗi quốc gia.