Dân Việt

Tân Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn: Nỗ lực giúp nông dân có đời sống tốt hơn

Nguyễn Công (thực hiện) 23/04/2016 06:35 GMT+7
Trao đổi với NTNN ngay sau khi được bầu giữ chức Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN, ông Lại Xuân Môn cho biết, cá nhân ông cùng tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, BCH và Hội ND các cấp sẽ nỗ lực, cố gắng giúp hội viên, nông dân nâng cao thu nhập, có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn.

Thuận lợi và thách thức

Đảng và Nhà nước đã giao nhiệm vụ lãnh đạo giai cấp nông dân, tổ chức Hội NDVN, ông cảm thấy có thuận lợi gì?

- Yếu tố thuận lợi cơ bản nhất là nhận thức đại đa số cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể các cấp về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa bao giờ đạt được mức độ cao như hiện nay. Thành tựu của nông nghiệp, đóng góp của nông dân trong hơn 30 năm đất nước đổi mới đã góp phần làm nên điều này. Sự quan tâm của Đảng càng thể hiện rõ, cụ thể hóa hơn bằng việc ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26).

Thực hiện Nghị quyết 26, Ban Bí thư, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 61/2009 về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 673/2011   “Về việc Hội NDVN trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”...

img

 Ông Nguyễn Quốc Cường (phải) tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch Lại Xuân Môn. Ảnh: Đ.D

Đây là vinh dự, tự hào nhưng trách nhiệm rất cao trước Đảng, BCH Hội NDVN và giai cấp nông dân Việt Nam. Tôi xin hứa với T.Ư Đảng, Bộ Chính trị sẽ nỗ lực, cố gắng đoàn kết trong Đảng đoàn, Ban Thường vụ, BCH T.Ư Hội NDVN hoàn thành tốt nhiệm vụ; sẽ ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN 
Lại Xuân Môn

Một thuận lợi cơ bản nữa không thể không nhắc tới là sau 86 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân, Hội NDVN không ngừng lớn mạnh. Có thể nói, giai cấp nông dân Việt Nam, Hội NDVN đã chuyển mình cùng nhịp đập của đất nước, nhất là thời kỳ đổi mới.

Hoạt động của Hội NDVN ngày càng đổi mới về nội dung, phương thức theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn liền với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Phương châm hành động này đã được Hội NDVN liên tục kế thừa và phát huy ở mức cao hơn qua các kỳ Đại hội.

Trong nhiệm kỳ 2008-2013 và nửa nhiệm kỳ 2013-2018, vai trò, vị thế của tổ chức Hội NDVN trong hệ thống chính trị được nâng cao rõ rệt. Nguồn lực để Hội NDVN hoạt động, triển khai các lĩnh vực công tác hội và phong trào nông dân cũng tăng đáng kể. Không chỉ đội ngũ cán bộ các cấp trưởng thành về năng lực, trình độ, mà hoạt động của Hội NDVN đã mở rộng về quy mô, chất lượng các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân. Theo đó, mối quan hệ giữa Hội NDVN và các bộ, ngành trong nước và các tổ chức quốc tế liên tục được mở rộng và nâng cao chất lượng hợp tác…

Bên cạnh những thuận lợi lớn vừa nêu, bản thân ông cảm thấy có những thách thức, khó khăn nào khi đảm nhận vai trò “thủ lĩnh” của giai cấp nông dân Việt Nam, thưa ông?

 - Thách thức lớn nhất đối với tổ chức Hội NDVN cũng như cá nhân tôi khi đảm nhận vị trí Chủ tịch BCH Hội NDVN là làm sao giúp nông dân nâng cao thu nhập, có đời sống vật chất sung túc, đời sống tinh thần thoải mái, phấn khởi, tự tin trong môi trường hội nhập quốc tế. Đây là 1 trong những nhiệm vụ khó khăn mà các cấp, các ngành, địa phương phải cùng vào cuộc giúp nông dân.

Chưa có thời kỳ nào, nông nghiệp, nông dân, nông thôn lại đứng trước những cơ hội lớn, đồng thời cũng phải đối diện, giải quyết những thách thức cam go do tác động của hội nhập và tự do hóa thương mại như hiện nay… Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã và đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thách thức lớn thứ 2 đối với Hội NDVN là tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tham gia xây dựng chính sách để hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu…

img

Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn trao tặng quà cho hội viên, nông dân nghèo,
gia đình chính sách tỉnh Nam Định nhân dịp Tết Bính Thân 2016. Ảnh: Thu Hà

“Hội NDVN sẽ triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng hiện đại; nông thôn đổi mới, khởi sắc; nông dân có thu nhập cao hơn, đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn; giai cấp nông dân, Hội NDVN vững mạnh trong hội nhập…”.

Ủy viên T.Ư Đảng, Tân Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn 

Những điều vừa chia sẻ ắt hẳn là niềm trăn trở của ông, của Hội NDVN về người nông dân?

- Những trăn trở đó có từ các lãnh đạo Hội NDVN qua các thời kỳ. Hội NDVN hiện có tổng số hội viên hơn 10,5 triệu người, 100% thôn, ấp, bản, làng có nông dân có tổ chức Hội với 95.246 chi hội và 200.630 tổ Hội thuộc 10.545 cơ sở Hội.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Hội phát động, hiện cả nước có hơn 4,2 triệu hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. Đó là những số liệu thực chất, đáng phấn khởi, nhưng đằng sau nó là nhiều trăn trở. Hơn 70% dân số sinh sống ở nông thôn; hơn 50% lực lượng lao động vẫn ở khu vực nông nghiệp. Xét ở mặt bằng chung, nông dân vẫn là đối tượng thu nhập thấp, chịu nhiều thiệt thòi, còn nhiều bức xúc, khó khăn; khoảng cách giàu-nghèo giữa nông thôn và đô thị có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam cơ bản vẫn là manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng thấp, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tay nghề, trình độ canh tác, tinh thần hợp tác của nông dân còn thấp, chưa được đào tạo, hướng dẫn bài bản. Những hạn chế, yếu kém đó càng lộ rõ theo tiến trình Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng và tham gia vào các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới. Nếu không có giải pháp hiệu quả khắc phục những hạn chế, yếu kém đó nông nghiệp, nông dân Việt Nam khó cạnh tranh được với nông nghiệp, nông dân khu vực và thế giới dễ rơi vào nguy cơ bị tụt hậu, đói nghèo…

8 vấn đề giúp nông dân hội nhập thành công

Vậy để giúp nông dân hội nhập thành công, theo ông Hội NDVN phải làm gì?

- Là đại diện của giai cấp nông dân- Hội NDVN phải chủ động nâng cao vai trò, vị trí, năng lực, nguồn lực để đủ sức, đủ tầm đồng hành với nông dân trên con đường hội nhập… Hội nhập thành công chính là hỗ trợ nông dân tranh thủ được cơ hội, vượt qua thách thức. Giải quyết những thách thức chính là khắc phục những yếu kém hiện nay trong nông nghiệp, những hạn chế còn tồn tại của người nông dân và tổ chức Hội NDVN. Để làm được điều đó, Hội NDVN sẽ tập trung vào 8 vấn đề sau:

1. Tổ chức quán triệt, học tập, xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tới cán bộ, hội viên nông dân cả nước.

Tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cán bộ, hội viên nông dân với tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ, đùm bọc, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là nông dân bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trước mắt là nông dân vùng hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

2. Tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu, thực hiện có hiệu quả Kết luận 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ để tạo thêm nguồn lực, năng lực cho Hội NDVN đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động thích ứng với môi trường hội nhập; để Hội NDVN tăng cường hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề ,hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.   

3. Năng lực của người nông dân thời hội nhập phải thể hiện ở tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, quyết tâm mới và có đời sống văn hóa mới. Để góp phần nâng cao năng lực cho nông dân, Hội NDVN sẽ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án “Xây dựng hình mẫu người nông dân mới”. Hội nhập thành công, xây dựng nông thôn mới không thể thiếu người nông dân mới.

4.  Hội NDVN các cấp tham gia có hiệu quả vào chương trình tái cơ cấu nông nghiệp. Trước mắt, Hội NDVN sẽ tập trung các giải pháp giúp nông dân liên kết trong sản xuất thông qua việc hướng dẫn xây dựng các mô hình tổ, nhóm nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã... Thông qua các mô hình này, nông dân sản xuất nông sản hàng hóa áp dụng cùng 1 quy trình kỹ thuật, cho ra sản phẩm đồng nhất về chủng loại, kích cỡ, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và nông dân được tham gia định giá cho sản phẩm của mình thông qua hợp đồng... Gắn tổ chức sản xuất kinh tế hợp tác với đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là nghề trồng trọt, chăn nuôi và nghề chế biến nông sản.

5. Khoa học công nghệ là 1 trong 3 trụ cột then chốt để đảm bảo nông nghiệp Việt Nam hội nhập thành công. Hội NDVN sẽ tăng cường các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, dạy nghề để nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất của nông dân. Hội NDVN đang hợp tác với một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp lớn của Mỹ, Nhật Bản xây dựng thí điểm 600 mô hình chăn nuôi, trồng trọt áp dụng công nghệ tiên tiến. Bước đầu đã có những kết quả khả quan.

Tới đây, cùng với các đối tác, Hội NDVN sẽ mở rộng mô hình sang những ngành, hàng nông nghiệp có thế mạnh như nuôi tôm, cá da trơn, trồng rau, củ, quả thực phẩm cao cấp, hoặc ngành, hàng đang có nguy cơ “thua” khi phải cạnh tranh gay gắt trong hội nhập như chăn nuôi lợn, gà, bò thịt, bò sữa... Thông qua những mô hình như vậy, Hội NDVN và các đối tác sẽ hỗ trợ, hướng dẫn nông sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, đạt tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, nông sản có thể cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước và các thị trường khó tính trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do...

6. Hội NDVN tăng cường các hoạt động hợp tác, phối hợp các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong nước; mở rộng hoạt động quan hệ với các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao năng lực; tranh thủ nguồn lực để hỗ trợ nông dân (hiện Hội NDVN có quan hệ hợp tác với 50 tổ chức nông dân, tổ chức chính phủ, phi chính phủ, tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới). Trước mắt, Hội sẽ thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác với Hội Nông dân Cộng hòa Liên bang Đức trong việc đưa nông dân giỏi của Việt Nam sang học tập ngắn hạn tại các trang trại của nước Đức; tổ chức các đoàn cán bộ, nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại nước ngoài (hiện nay đã có 8 tỉnh, thành phố bố trí ngân sách hỗ trợ để đưa nông dân đi nước ngoài tham quan, học tập). Việc tăng cường mở rộng hợp tác, phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước còn góp phần gia tăng tiếng nói của Hội NDVN trong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng, tính chất các vụ kiện chống bán phá giá ngày càng phức tạp...

7. Tiếp tục chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội NDVN các cấp đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh vững vàng, có hiểu biết căn bản về kiến thức hội nhập. Trước mắt tập trung vào thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội NDVN giai đoạn 2016-2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20.11.2015.

8. Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội” và “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; thực hiện chương trình phối hợp giám sát vật tư nông nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân…

Xin cảm ơn Chủ tịch!

Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN lần thứ 8 (khóa VI): Ông Lại Xuân Môn được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

Sáng 22.4, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (BCH T.Ư Hội NDVN) lần thứ 8, khóa VI khai mạc tại Hà Nội. Dự hội nghị có ông Mai Văn Chính - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng. Ông Nguyễn Quốc Cường-Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN chủ trì và điều hành hội nghị với sự tham dự của đại diện các Ban của T.Ư Đảng, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Khai mạc hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiến hành vào tháng 1.2016, ông không tái cử  vì tuổi cao. Đại hội XII của Đảng đã bầu ông Lại Xuân Môn làm Ủy viên BCH T.Ư Đảng.

Thực hiện sự phân công của Bộ Chính trị, Hội nghị BCH T.Ư Hội NDVN lần thứ 8, khóa VI tiến hành xem xét việc cho ông Nguyễn Quốc Cường rút khỏi chức vụ Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN và bầu ông Lại Xuân Môn giữ chức Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN, khóa VI. “Đây là nhiệm vụ, sự kiện quan trọng trong công tác tổ chức, cán bộ của Hội NDVN, bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ, trực tiếp của T.Ư Đảng đối với các tổ chức chính trị-xã hội và cũng là sự chủ động kế thừa trong công tác cán bộ của Hội NDVN…” - Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường khẳng định.

Tại hội nghị, 100% đại biểu có mặt nhất trí với đơn xin rút chức danh Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN khóa VI, nhiệm kỳ 2013-2018 do ông Nguyễn Quốc Cường trình bày. Trước khi bước vào bỏ phiếu kín, 100% đại biểu có mặt đã nhất trí với Tờ trình của Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN giới thiệu ông Lại Xuân Môn để hội nghị bầu giữ chức Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN khóa VI, nhiệm kỳ 2013-2018. Kết quả, 100% đại biểu có mặt tại hội nghị đã bầu ông Lại Xuân Môn giữ chức Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN khóa VI, nhiệm kỳ 2013-2018.

Phát biểu ngay sau chuyển giao chức Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN cho ông Lại Xuân Môn, ông Nguyễn Quốc Cường khẳng định: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hội NDVN có cán bộ vào T.Ư và giữ chức Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN chứ không phải điều động từ bên ngoài về…”. Chúc mừng tân Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn, ông Nguyễn Quốc Cường cho rằng, ở cương vị mới, nhiệm vụ rất nặng nề, yêu cầu, đòi hỏi càng lớn, vì vậy tân Chủ tịch Hội NDVN không cần ngừng học tập, rèn luyện, cập nhật kiến thức, lăn xả vào công việc thực tế. Ông Nguyễn Quốc Cường cũng bày tỏ lòng cảm ơn tới Đảng đoàn, Ban Thường vụ, BCH và Hội ND các cấp trong những năm qua đã cùng người đứng đầu Hội NDVN gánh vác công việc và làm được một số việc có ý nghĩa; cảm ơn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan T.Ư Hội NDVN đã giúp ông hoàn thành nhiệm vụ.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Lại Xuân Môn bày tỏ sự cảm ơn đối với Bộ Chính trị, T.Ư Đảng, Thường trực, Ban Thường vụ, BCH T.Ư Hội NDVN và toàn hệ thống tổ chức Hội NDVN đã quan tâm, tín nhiệm, giao trọng trách qua việc bầu giữ chức Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN khóa VI, nhiệm kỳ 2013-2018...