Dân Việt

Độc đáo lễ công nhận... “người lớn”

Mạc Li 25/04/2016 08:32 GMT+7
Bất cứ người đàn ông Dao nào muốn được công nhận là “người lớn” thì phải làm lễ Cấp sắc. Mỗi năm một lần, người Dao đỏ ở xã Viễn Sơn (huyện Văn Yên) lại tổ chức lễ Cấp sắc để công nhận sự trưởng thành của những người đàn ông trong cộng đồng.

Huyện Văn Yên (Yên Bái) không chỉ nổi tiếng những rừng quế ngát hương, nơi đây còn là vùng đất của các nghi lễ văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc. Một trong những nghi lễ dân gian vẫn giữ được tính nguyên bản, độc đáo là lễ “Lập Tịnh” (Cấp sắc) của dân tộc Dao đỏ.

Người Dao quan niệm rằng, người con trai phải trải qua lễ cấp sắc mới có tâm, có đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là đã trưởng thành và là con cháu của “Bàn Vương”, tổ tiên của người Dao. Lễ cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên được cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc 2 được cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc 3 được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Bất cứ người đàn ông Dao nào muốn được công nhận là “người lớn” thì phải làm lễ Cấp sắc. Mỗi năm một lần, người Dao đỏ ở xã Viễn Sơn (huyện Văn Yên) lại tổ chức lễ Cấp sắc để công nhận sự trưởng thành của những người đàn ông trong cộng đồng.

imgNghi lễ ban đầu thể hiện thầy cúng truyền đạo cho các trò. 

imgTrước buổi lễ, thầy cúng đem lễ ra ngoài sân, cất tiếng tù và để gọi Ngọc Hoàng, thông báo bắt đầu vào lễ chính Cấp sắc 12 đèn và mời Ngọc Hoàng đến chứng giám.

img Trong lễ Cấp sắc, đặc sắc nhất là múa Rùa. Điệu múa này được bắt nguồn từ truyền thuyết về một con rùa tinh đến phá phách làng bản, mùa màng,... những người đàn ông con trai khỏe mạnh trong bản đã hợp sức đánh đuổi rùa tinh.

imgLễ khai đàn để báo cáo tổ tiên biết lý do của buổi lễ. Trước lễ khai đàn, những người đàn ông phải “chay tịnh”, ở chung một chỗ, không được đi đâu xa.

imgLễ dâng đèn và thủ tục thông báo tên tuổi, chức vụ của người được cấp sắc.

img Sau khi đã được Cấp sắc, thầy cúng làm nghi lễ dẫn các trò lên Tồ sên (Thiên đình) để các trò nhận dấu ấn của Ngọc Hoàng và văn bằng âm-dương.