Dân Việt

Ngán ngẩm các đề thi "cuồng" theo trào lưu

Hoài Nam 25/04/2016 09:04 GMT+7
“Nếu tình hình thầy cô chạy theo vấn đề “hot” để cho vào đề thi thế này có lẽ thay vì đọc những tác phẩm văn học kinh điển, những bộ phim có giá trị, quan tâm đến những vấn đề ý nghĩa trong cuộc sống… thì học sinh nên tập trung chạy theo phong trào trên mạng xã hội” - một học sinh THCS ở Tân Bình, TP.HCM chia sẻ.

Hiện tượng “soái ca” trong phim "Hậu duệ Mặt trời" và bài hát “Vợ người ta” được đưa vào đề thi Văn lớp 8 làm nhiều người phải ngán ngẩm, thở dài...

Theo đó, câu số 2, chiếm 4 điểm của đề Văn này ra như sau:

“Thời gian qua, giới trẻ trong xã hội có hiện tượng “cuồng” trước một bài hát, một ban nhạc hay một bộ phim nào đó. Hiện tượng này còn đi vào cả trong học đường, nơi những học sinh còn mang khăn quàng đỏ.

Báo chí cũng đề cập nhiều đến hiện tượng này:

Báo Người lao động (27.12.2015): Hoang mang hiện tượng bài hát “Vợ người ta”.

Báo Người lao động (3.4.2016): Trào lưu hóa thân thành “soái ca” trong phim “Hậu duệ mặt trời”.

Hãy trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng trên".

Đề thi này được nhiều học sinh và giáo viên chia sẻ trên mạng xã hội. Khi đọc đề thi, nhiều học sinh nhận xét đề không khó nhưng quá “xàm” và cẩu thả. Một số em bức xúc cho rằng, không phủ nhận đó là những trào lưu nhiều người biết đến nhưng không phải học trò nào cũng xem phim Hàn, cũng nghe “Vợ người ta”.

“Nếu tình hình thầy cô chạy theo vấn đề “hot” để cho vào đề thi như thế này thì có lẽ thay vì đọc những tác phẩm văn học kinh điển, những bộ phim có giá trị, quan tâm đến những vấn đề ý nghĩa trong cuộc sống như môi trường, từ thiện… thì học sinh nên tập trung chạy theo phong trào trên mạng xã hội” - em Nguyễn Ngọc Anh, một học sinh THCS ở Tân Bình, TP.HCM chia sẻ.

img

Đề thi Văn lớp 8 đưa hiện tượng "Soái ca" và bài hát "Vợ người ta".

Chị Ngọc Thanh, nhà ở phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM cũng có con học lớp 8 cho biết đọc đề thi mà chị ngán ngẩm. Nói không mang tính giáo dục cũng không phải nhưng… dường như đề thi đang chạy theo trào lưu, gây “sốc” nhiều hơn là quan tâm đến giá trị của đề thi.

“Nếu như phải đề thi này, chắc chắn con gái chị là một học sinh yêu môn Văn sẽ không làm được hoặc sẽ có cái nhìn phiến diện, lệch lạc về vấn đề. Con tôi mê đọc sách. Còn vợ chồng tôi khuyến khích con ra ngoài trải nghiệm, tham gia các hoạt động xã hội thật nhiều. Cháu không thích xem phim Hàn, cũng chẳng thích lên mạng xã hội” - người mẹ bộc bạch.

Chị cũng đồng tình rằng, học trò bây giờ không chỉ biết học, cần nắm các vấn đề trong đời sống xã hội nhưng nắm thời sự không có nghĩa là cứ phải xem phim hay nghe nhạc theo trào lưu.

Được biết, đề thi trên dành cho học sinh lớp 8 của một trường THCS tại TP.HCM.

Trước đó, việc nhiều đề thi của không ít trường học trong cả nước tích cực “ăn theo” bộ phim đình đám “Hậu duệ Mặt trời” cũng gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.Đầu tiên, phải kể đến đề thi Vật lý học kỳ 2 lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TP.HCM đưa cảnh “đại úy Yoo Shi Jin (do diễn viên Song Joong Ki thủ vai) hất điện thoại trên tay bác sĩ Kang Mo Yeon” trong phim Hậu duệ Mặt trời trong câu số 5.

Cảnh trong bộ phim không liên quan đến yêu cầu chính của đề nhưng người ra đề vẫn khéo léo nhắc đến bộ phim đang làm mưa làm gió khắp châu Á, đặc biệt là đánh giá cảnh phim “thật ấn tượng”.

Việc “lồng ghép” này không tác động trực tiếp đến nội dung đề thi, học sinh xem phim hay không cũng không ảnh hưởng đến việc làm bài. Việc đưa cảnh phim vào đề ở trường hợp này đơn thuần là để tạo thêm sự vui vẻ, dí dỏm và nhẹ nhàng có thể xem như là một sự sáng tạo của người ra đề ở mức chấp nhận được.

img

Đề môn Vật lý cũng khéo léo "ăn theo" bộ phim Hậu duệ mặt trời đình đám.

 

Trong đề thi môn Văn học kỳ 2 lớp 12 của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị, nội dung liên quan bộ phim "Hậu duệ Mặt trời" chiếm vị trí đình đám với 4 điểm. Đề trích dẫn một đoạn bình luận về bộ phim này xuất hiện trên Đài truyền hình Việt Nam, qua đó kiểm tra khả năng đọc hiểu, kỹ năng tiếp nhận, phân tích văn bản của học sinh.Học sinh bám vào văn bản trích dẫn để làm bài, không quan đến việc các em có xem bộ phim hay không. Nhưng, một câu hỏi trong đề chiếm đến 50% điểm số của đề: “Với niềm cảm hứng được gợi lên từ bộ phim cùng những gì văn bản này thể hiện, hãy viết một đoạn văn (không quá 15 dòng) với chủ đề: Nếu tôi là đạo diễn…" thì lại đặt học sinh vào thế phải xem bộ phim.

Cũng một trường học khác ở Quảng Trị, đề thi Văn cũng “tranh thủ” sử dụng bộ phim “Hậu duệ Mặt trời” cho câu nghị luận nhưng lại theo hướng nghiêm trọng hóa vấn đề từ một bộ phim. Đề thi yêu cầu học sinh trình bày ý kiến, chia sẻ của mình trong cuộc tranh luận giữa việc một bên khen "Hậu duệ Mặt trời" là một bộ phim hay, có tính nhân văn sâu sắc và một bên cho rằng nếu tung hô bộ phim này là đang đánh mất lòng tự trọng dân tộc.

Nhiều người không khỏi băn khoăn không hiểu đề thi này được đặt ra kiểm tra kiến thức gì hay yêu cầu khả năng lập luận chủ đề gì ở học sinh? Yêu cầu của đề không có ý nghĩa, mục đích và cũng không tính giáo dục.

Phải chăng chính giáo viên đang nhầm tưởng phải đưa vào đề các các vấn đề được cho là “hot”, trào lưu của giới trẻ thì đề thi mới được xem là đề thi đổi mới, mang hơi thở đời sống, thời sự? Một giáo viên dạy Văn ở TP.HCM chia sẻ, sao cứ phải ép đưa bộ phim hay các trào lưu bề nổi của giới trẻ vào đề. Thành ra đề trở nên cứng nhắc, gượng ép và đi theo lối mòn cũ kỹ, chưa nói đến ảnh hưởng đến sự nghiêm túc của học thuật.