Dân Việt

Triều Tiên tiến bộ ngạc nhiên về tên lửa đạn đạo tàu ngầm

Quang Minh - Diplomat 25/04/2016 11:55 GMT+7
Vụ thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của Triều Tiên cách đây ít hôm không chỉ đơn thuần là “đòn gió” trước Đại hội Đảng Lao động mà thực sự đã chứng minh nước này đạt được rất nhiều tiến bộ trong công nghệ quốc phòng, đặc biệt là tên lửa đạn đạo.

img

Hình ảnh tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm do hãng KCNA đăng tải.

Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa KN-11, một dòng tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm, ở biển Nhật Bản ngày 23.4. Theo Bộ Tổng tham mưu Hàn Quốc, vụ phóng diễn ra vào 6 giờ 30 phút tối giờ địa phương.

Triều Tiên tuyên bố vụ phóng tên lửa “nhằm xác nhận tính ổn định của hệ thống phóng đạn đạo dưới nước tại độ sâu tối đa, tính năng động lực bay của tên lửa được động cơ nhiên liệu rắn hoàn toàn mới cung cấp, độ tin cậy của sự chia tách nhiệt theo pha và khả năng chính xác của đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa”. Thông báo trên cũng tuyên bố lãnh đạo tối cao Kim Jong-un rất hài lòng với kết quả đạt được.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mang tên Polaris-1 từng được Triều Tiên phóng hồi tháng 5 năm ngoái tuy nhiên chưa thực sự hoàn thiện tính năng kĩ chiến thuật.

Vụ phóng tuần trước được cho là nổi bật hơn cả vì một số nguyên nhân. Thứ nhất, tên lửa lần này bay xa hơn so với đợt thử năm 2015 chỉ được 30km rồi rớt xuống nước. Thứ hai, có vẻ như tên lửa được khai hỏa từ ống phóng của tàu ngầm lớp Sinpo. Hình ảnh hãng thông tấn Triều Tiên đăng tải đã gần như khẳng định điều này, trái với trước đây khi Bình Nhưỡng tuyên bố thành công nhưng không có ảnh làm “bằng chứng”.

Cuối cùng, bước tiến lớn nhất của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên chính là sử dụng nhiên liệu rắn. Đầu năm nay, Bình Nhưỡng từng “khoe” động cơ tên lửa mới sử dụng nhiên liệu rắn. Điều này cho thấy Polaris-1 không còn là loại tên lửa chỉnh sửa từ biến thể do Xô Viết sản xuất, đơn tầng và dùng nhiên liệu hóa lỏng. Nếu Triều Tiên sử dụng nhiên liệu rắn trên tên lửa, đây có thể là một phiên bản khá giống tên lửa JL-1 của Trung Quốc hoặc K-4 của Hải quân Ấn Độ.

img

Triều Tiên thử nghiệm động cơ tên lửa nhiên liệu rắn.

Tên lửa nhiên liệu rắn rất phù hợp với các vụ phóng từ tàu ngầm. Nếu Triều Tiên hoàn thiện thiết kế, nước này hoàn toàn có thể trữ tên lửa trong tàu ngầm lớp Sinpo và khai hỏa khi cần. So với thiết kế nhiên liệu lỏng, động cơ tên lửa nhiên liệu rắn không cần sửa chữa nhiều và an toàn hơn. Triều Tiên hiện nay sở hữu hạm đội tàu ngầm nhiều nhất thế giới tuy nhiên chủ yếu là tàu diesel-điện lỗi thời.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên là mối lo ngại lớn hiện nay của Hàn Quốc và Mỹ. Nếu Triều Tiên đủ sức tạo ra một loại tên lửa đạn đạo tàu ngầm tân tiến, nhiên liệu rắn và đáng tin cậy, đây sẽ là “quả đấm thép hạt nhân” thứ hai mà nước này có trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên chiến tranh. Dù tàu ngầm lớp Sinpo và tên lửa Polaris-1 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm tuy nhiên tiến bộ mà nước này đạt được là không thể phủ nhận.