Những vụ việc đau lòng
Ngày 19.4 vừa qua tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã xảy ra vụ án một người mẹ 34 tuổi chỉ vì mâu thuẫn với chồng đã lấy thuốc diệt cỏ ép 2 con uống cùng để tự vẫn. Khi cháu nhỏ không chịu uống, người mẹ này dùng dao đâm con tử vong tại chỗ, còn bản thân và cậu con trai lớn sau khi uống thuốc đã được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Trước đó, tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, chị N.T.H (SN 1987) cũng uống thuốc ngủ tự tử cùng đứa con mới 2 tuổi, trong khi đang mang thai ở tháng thứ 7. Nguyên nhân là do vợ chồng chị H đã kết hôn 4 năm nhưng người chồng thường xuyên vắng nhà, có biểu hiện ngoại tình, không quan tâm đến con cái, chị H lại có thai đứa con thứ hai nên luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Sau nhiều lần cãi vã xung đột, trong lúc cùng quẫn, bế tắc, chị H đã lấy thuốc ngủ cho 2 mẹ con uống. May mắn là sau khi được cấp cứu kịp thời, mẹ con chị H đã thoát chết.
Còn tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, cũng chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, anh K.V.V (SN 1982) đã ép 3 đứa con uống thuốc trừ sâu rồi tự uống thuốc sâu tự vẫn. Trước đó, người chồng này nhiều lần hành hạ, đánh đập vợ mình, phải đi cấp cứu. Cách đây không lâu, ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, vì ấm ức với chồng, chị N.T.L (SN 1984) cũng uống thuốc sâu tự tử, khiến thai nhi 8 tháng tuổi trong bụng chết theo, khi đứa con đầu mới 2 tuổi.
Tương tự, cũng chỉ vì xích mích gia đình, chị L.T.H.M (SN 1986) ở TP.Việt Trì, Phú Thọ đã ôm con trai gần 3 tuổi lao xuống dòng sông Lô tự vẫn. Đau xót hơn nữa là vào thời điểm đó, chị H đang mang thai đứa con thứ hai. Vụ việc đã gây xôn xao dư luận trong thời gian dài.
Nơi chị L.T.H.M ở TP Việt Trì, Phú Thọ ôm con tự vẫn.
Xung quanh những sự việc trên, có người đồng cảm, thương xót đối với những người do bế tắc đã ép con chết cùng, song cũng có không ít cá nhân phản đối việc làm này vì cho rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc tước đi tính mạng của những đứa trẻ vô tội là điều không thể chấp nhận được.
Chị Phạm Hồng Thu, ở khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội bày tỏ quan điểm, đành rằng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng việc giải quyết xung đột bằng cách tự tước đi mạng sống của chính mình và con ruột là cách xử lý ngu ngốc, ấu trĩ và độc ác nhất.
“Đau xót biết bao khi những đứa trẻ ngây thơ trong sáng bỗng chốc bị chính người thân yêu nhất ép phải chấm dứt cuộc sống. Xin các bậc làm cha mẹ hãy dừng ngay hành động mù quáng và dại dột này, đừng cho mình cái quyền tước đi sự sống, tương lai của con mình” - chị Thu chia sẻ.
Vì thương con hay trả thù người sống?
Lý giải về hành động ép con chết cùng của một số ông bố, bà mẹ, Tiến sĩ tâm lý Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển cộng đồng cho rằng, những người này thường nhút nhát, tự ti, có ngưỡng chịu đựng thấp với áp lực nên khi gặp khó khăn về kinh tế hay đối mặt với những xung đột trong gia đình, họ bất lực không tìm được cách giải quyết, cho rằng mình đã ở bước đường cùng nên đã nghĩ đến cái chết để giải thoát cho tất cả. Bên cạnh đó, không ít người đã bị trầm cảm, cô đơn, stress trong thời gian dài, thậm chí có dấu hiệu của bệnh hoang tưởng, loạn thần.
Khi ép con tự tử cùng, một số bậc cha mẹ thường xuất phát từ tâm lý lo sợ sau khi mình chết đi, con cái phải sống khổ nên để con chết cùng sẽ tốt hơn? Bên cạnh đó là động cơ muốn trả thù, để người ở lại cảm thấy hối hận, day dứt vì những việc họ đã làm. Họ không hiểu rằng, việc làm của mình đã gây hậu quả nặng nề cho những đứa trẻ, gia đình và xã hội.
Bởi trẻ con không có khả năng tự vệ, sự sống chết của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Nên khi bị cha mẹ ép buộc phải hủy hoại sự sống của mình, khả năng tử vong của những đứa trẻ là rất cao. Số ít còn lại dù may mắn sống sót, nhưng cơ thể non nớt của chúng phải chịu giày vò đau đớn trong thời gian dài do bị tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe và tinh thần.
Cho dù vì bất cứ lý do gì, hành vi ép con cùng chết là hành vi thể hiện sự hèn nhát, dùng cái chết để giải quyết bế tắc, tước đoạt mạng sống của trẻ. Việc làm này để lại hậu quả nặng nề về mặt xã hội, đáng bị lên án mạnh mẽ. Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, mỗi người nên chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng để được chia sẻ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống.
“Mỗi cá nhân cần hiểu rằng, tự tử không chỉ thiệt thân mà còn gây đau đớn cho gia đình, khiến mọi việc trở nên nghiêm trọng và tồi tệ hơn. Việc gì dù khó khăn đến mấy cũng có cách giải quyết. Khi gặp trở ngại hay thất bại, mỗi người nên xem đó là thử thách phải vượt qua để đi tới thành công, hãy chấp nhận thực tế, cởi mở với mọi người, sống có trách nhiệm với bản thân và coi sự an toàn, tương lai của trẻ là trên hết” - tiến sĩ Tuấn đưa ra lời khuyên.