Dân Việt

K+ tiếp tục độc quyền Premier League khiến dân tình lao đao

Chính Minh 25/04/2016 15:00 GMT+7
Kinh tế khó khăn, nợ công chồng chất, vậy mà cuối cùng, các nhà đài Việt Nam với “cánh chim đầu đàn” K+ vẫn chấp nhận để ngoại tệ “chảy” ra nước ngoài trong vấn đề bản quyền truyền hình Giải Ngoại hạng Anh (English Premier League - EPL)…

Trải qua một thời gian “giương đông kích tây”, tung hỏa mù rối tinh, cuối cùng sáng 25.4, K+ đã tuyên bố có bản quyền EPL 2016-2019. Đương nhiên, họ vẫn được quyền phát toàn bộ các trận đấu (380 trận đấu/mùa) và độc quyền phát sóng một số trận cuối tuần. Đồng thời, K+ cũng được ưu tiên lựa chọn một số trận đấu diễn ra vào giữa tuần. Về cơ bản, K+ vẫn có những đặc quyền như cách họ đã có trong giai đoạn 2013-2016. Điều đáng nói hơn, phía K+ khẳng định đã mua được với giá cao không quá 20% so với giai đoạn 2013-2016 (tổng giá trị khoảng 40 triệu USD) theo đúng chỉ đạo của Bộ Thông tin & Truyền thông.

img

K+ đã tuyên bố có bản quyền EPL giai đoạn 2016-2019. ảnh: I.T.

Trước thông tin nói trên, Dân Việt đã mang câu hỏi: Liệu khi K+ đã vô tư “xé rào” mua EPL, Ban đàm phán và Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV) có yêu cầu Bộ Thông tin & Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) dùng quyền của mình để không cho K+ phát sóng EPL trên lãnh thổ Việt Nam như từng tuyên bố với báo chí cách đây chưa lâu hay không? đặt ra với ông Lê Đình Cường – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNPay TV và cũng là Trưởng Ban đàm phán mua bản quyền EPL 2016-2019, thì nhận được câu trả lời úp mở: “Cái này chúng tôi phải chờ ý kiến chỉ đạo tiếp tục từ phía Bộ Thông tin & Truyền thông trong tuần này. Sau đó, Ban đàm phán sẽ họp lại rồi mới có quyết định được”.

Khi Dân Việt gợi mở câu chuyện với việc K+ mua được với giá cao không quá 20% thì các nhà đài khác trong thời gian tới cũng có cơ hội tương tự. Và chung cuộc, cái đích cuối cùng liên quan tới bài toán kinh tế thì các đài đều đã đạt được? Ông Cường đáp: “Cũng có thể như vậy!”

Đến đây, xâu chuỗi lại câu chuyện bản quyền truyền hình EPL giai đoạn 2016-2019, có thể cảm nhận được sự “đoàn kết” của các nhà đài Việt Nam. Và Ban đàm phán được thành lập không hề vô ích chút nào. Chỉ là khi đã hoàn thành sứ mệnh thì nó tự “tan biến” đi mà thôi. Nhưng sự “đoàn kết” ấy có hướng tới mục tiêu phục vụ người dân hay đơn thuần chỉ nhằm mục đích trước hết giúp mỗi nhà đài thu lợi, tiếp tục “móc túi” khách hàng?

Giờ gạt sang bên tất cả những “mâu thuẫn” giữa Ban đàm phán và K+ trong suốt thời gian qua, cũng như những bất đồng quan điểm tưởng như không thể tìm được tiếng nói chung giữa Ban đàm phán với đối tác nước ngoài MP&Silva: Cụ thể, Ban đàm phán muốn mua toàn bộ các trận đấu EPL, không độc quyền với tổng giá trị không quá 20% so với giai đoạn 2013-2016 (tổng giá trị khoảng 40 triệu USD); Còn MP&Silva lại đưa ra điều kiện tiên quyết là được quyền tìm kiếm, lựa chọn, đàm phán trực tiếp với mỗi nhà đài để thu về lợi nhuận tốt nhất. Chỉ nhìn cái đích cuối cùng, nghĩa là các nhà đài Việt Nam đã “ép” được MP&Silva không thể “làm mưa làm gió” đã là thành công. Phía MP&Silva cũng chẳng có gì phải quá buồn bởi không lãi nhiều thì lãi ít, thay vì phải rơi vào cảnh ôm bản quyền EPL để… ngắm!

Trong câu chuyện này, điều người dân, đặc biệt là những người dân nghèo cần nhất thì vẫn không được đáp đứng. Nói cách khác, họ vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” như suốt 6 năm qua khi phải mua đầu K+ thì mới được xem những trận cầu “đinh” EPL. Thêm nữa, ngay cả những người đã là thuê bao truyền hình trả tiền của VTVcab, VTC, Truyền hình cáp Hà Nội… thì vẫn phải mất thêm tiền mới được xem Super Sunday!

Điều này là cực kỳ vô lý khi bao năm qua, giá bản quyền EPL vẫn liên tiếp tăng trong khi kinh tế Việt Nam lại khó khăn, mọi nhà, mọi người phải “thắt lưng buộc bụng”. Gần nhất, giai đoạn 2010-2013, nhờ sự xuất hiện của K+, MP&Silva với cách chia bản quyền EPL thành nhiều gói, họ đã thu lời khoảng 6 triệu USD (mua 13 triệu USD sau đó bán cho các nhà đài Việt Nam thu về 19 triệu USD ngon ơ). Đến giai đoạn 2013-2016, cái giá 40 triệu USD được các nhà đài bỏ ra để có bản quyền EPL được coi là quá khủng khiếp. Vậy thì, cái giá gần 50 triệu USD bỏ ra để có bản quyền EPL 2016-2019 có thể coi là “tiết kiệm” theo đúng chỉ đạo mới nhất của Bộ Thông tin & Truyền thông hay không?

Còn theo quan điểm của người viết, đáng ra các nhà đài cần “quên” EPL đi, ít nhất là trong 1 mùa giải 2016-2017 sắp tới, đồng thời “chủ động đa dạng hóa nội dung chương trình truyền hình nói chung, nội dung chương trình truyền hình thể thao nói riêng, tránh phụ thuộc vào bản quyền nội dung một hoặc một số giải đấu và lệ thuộc vào một hoặc một số đơn vị cung cấp bản quyền nội dung nhất định”, thì mới đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Thông tin & Truyền Thông!

Giá bản quyền EPL tăng phi mã:

- Mùa giải 2002-2003: 450 nghìn USD

- Giai đoạn 2004-2007: 1,8 triệu USD

- 2007-2010: 4 triệu USD (với sự xuất hiện của VTC)

- 2010-2013: 19 triệu USD (K+ xuất hiện, MP&Silva mua được với giá 13 triệu USD, sau đó bán cho các nhà đài Việt Nam và thu lãi 6 triệu USD)

- 2013-2016: 40 triệu USD (K+ tiếp tục duy trì thế độc quyền)

- 2016-2019: K+ đã mua được với giá vào khoảng 46 triệu USD