Dân Việt

Bản quyền Premier League: K+ mua 40 triệu hay 80 triệu USD?

Lương Anh 25/04/2016 18:00 GMT+7
Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+) vừa tuyên bố sở hữu bản quyền truyền hình Premier League 3 mùa tới. Nhiều người đang quan tâm liệu K+ bỏ ra bao nhiêu tiền để sở hữu gói BQTH này?

Khi Đài truyền hình kỹ thuật số VTC được cho là chi ra 4 triệu USD vào năm 2007 mua gói bản quyền truyền hình Premier League giai đoạn 2007-2010, chẳng ai tưởng tượng nổi sau chưa đầy 10 năm giá lại tăng lên... 20 lần. Nhưng đó là sự thật. Không phải vô cớ MP&Silva đã thét giá gói BQTH EPL 3 mùa tới tận 80 triệu USD và BTC Premier League chẳng thò tay can thiệp. BTC cùng công ty tiếp thị bản quyền như MP&Silva - và trước đây là IMG Media - hiểu rõ họ có thể bán gói BQTH Premier League với giá cao đến đâu ở thị trường trọng điểm châu Á và thu nhỏ hơn là “mỏ vàng” Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

img

K+ tiếp tục có bản quyền Premier League 3 mùa tới.

Việc phân phối bản quyền một các gián tiếp, từ BTC tới MP&Silva (hay IMG trước đây), thay vì BTC đàm phán với các nhà Đài ở Việt Nam chẳng hạn, là một chiến lược giúp đẩy giá BQTH lên các nấc thang cao hơn rồi kịch ngưỡng trần mà bên bán thấy thỏa mãn. Và ở đây có thể vai trò của MP&Silva, chẳng khác nào... cái máy bơm, quan trọng thế nào trong việc quyết định giá bản quyền.

MP&Silva là đơn vị nào?

Chính xác đây là Công ty truyền thông tiếp thị chuyên mua bán bản quyền các chương trình thể thao, trong đó nổi bật là bản quyền bóng đá. MP & Silva có trụ sở ở London và Singapore cùng 16 văn phòng trên khắp thế giới. Công ty này nắm bản quyền FIFA World Cup, các giải VĐQG đấu hàng đầu Châu Âu và Nam Mỹ, giải tennis Grand Slam, các giải đua xe Motor, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông và giải Nhà nghề Mỹ (MLS). Họ phân phối hơn 10.000 giờ của các chương trình tại hơn 200 đài truyền hình ở 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. MP&Silva đạt doanh thu hằng năm khoảng 700 triệu USD và trong năm tài chính 2015-2016 con số được kỳ vọng sẽ đạt gần 1 tỷ USD.

img

Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của MP&Silva, Riccardo Silva.

Hồi cuối tháng 11 năm ngoái, MP&Silva đã công bố sở hữu bản quyền Premier League 3 mùa tới (2016-2019) ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á Thái bình dương. Với thông kê chỉ ra rằng hiện có khoảng 2,7 tỷ người thường xuyên theo dõi giải Ngoại hạng và 38% trong số đó nằm ở châu Á, có thể hiểu tiềm năng giá trị kinh tế, thương mại cực lớn mà MP&Silva có thể khai thác khi họ nắm BQTH giải đấu ở khu vực này. Nên nhớ, Nhật Bản hiện là thị trường truyền hình lớn thứ 5 thế giới. Còn ở Hàn Quốc lượng khán giả theo dõi giải Ngoại hạng ngày càng tăng nhờ những ngôi sao quốc gia này đến Anh chơi bóng. Và tất nhiên ở Việt Nam MP&Silva biết rõ đam mê của NHM dành cho giải Ngoại hạng.

Sự thực, đây không phải lần đầu MP&Silva đàm phán với các nhà Đài ở Việt Nam về gói BQTH Premier League. 6 năm trước công ty này từng bỏ ra khoảng 12 triệu USD để nắm bản quyền phát sóng các trận đấu giải Ngoại hạng ở Việt Nam. Sau đó họ đã phân chia thành nhiều gói để bán lại cho các Đài truyền hình, đơn vị truyền hình trả tiền tại Việt Nam để thu về gần 20 triệu USD. Khi ấy K+ được tin đã bỏ ra 9 triệu USD để sở hữu gói trận độc quyền ngày Chủ nhật. Như thế đủ để MP&Silva “đánh hơi” ra tiềm năng của việc đẩy giá bán lên cao hơn nữa ở Việt Nam. Đặc biệt, trong gói BQTH hiện tại sắp hết hạn, IMG cũng với “bài” độc quyền và xé nhỏ gói bản quyền từng thu về hơn 40 triệu USD khi bán cho các nhà Đài ở Việt Nam 3 năm trước, dù công ty này chỉ bỏ ra chừng 30 triệu USD  mua trực tiếp BQTH từ BTC Premier League. Nhìn lại để thấy vì sao MP&Silva có thể tự tin chào giá khủng 80 triệu USD trước đó, tức cao gấp đôi số tiền các nhà Đài ở Việt Nam bỏ ra mua bản quyền EPL cách đây 3 năm.

img

Ở 3 thị trường chính MP&Silva nắm gói BQTH Premier League 3 mùa tới, họ đều bán với giá cao hơn gói hiện tại.

Nhưng ở đây nhìn đi cũng phải nhìn lại. MP&Silva không thể “bơm” giá bản quyền lên ngất ngưởng nếu các nhà Đài ở Việt Nam không hành động thiếu liên kết, kém chuyên nghiệp, cạnh tranh theo kiểu “mạnh ai nấy được” qua đó gây thanh thế, tạo thương hiệu nhằm thu hút “nóng” một lượng khán giả.

Còn nhớ, vào tháng 10.2012, thời điểm đấu giá mua bản quyền bóng đá Anh 3 mùa 2013- 2016 diễn ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có ý kiến chỉ đạo và Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV) thống nhất lập Ban điều hành đàm phán mua bản quyền bóng đá Premier League dựa trên quan điểm: chỉ mua bản quyền với mức giá hợp lý, không cao hơn giá 3 mùa giải trước đó quá 20%. Nhưng đến giữa tháng 4/2013, K+ chính thức công bố độc quyền các trận ngày chủ nhật và trận đấu sớm ngày thứ Bảy - thường là những trận hấp dẫn nhất của giải Ngoại hạng - giai đoạn 2013-2016 sau khi đơn vị này bỏ ra tận 33,5 triệu USD để mua. Và giờ sau khi MP&Silva tuyên bố không đàm phán với VNPay TV, K+ lại... nhanh tay giành được BQTH Premier League 3 mùa tới.

Rõ ràng, cách thâu tóm, phân phối bản quyền của MP&Silva khiến nhiều người thấy khó chịu và thậm chí còn kêu gọi tẩy chay không xem giải Ngoại hạng. Nhưng một tay MP&Silva không thể nặn ra mức giá trên trời cho gói BQTH Premier League, mà chính các nhà Đài ở Việt Nam đã góp sức một phần. Giờ người ta có quyền đặt câu hỏi, liệu K+ đã phải chi tới bao nhiêu để vừa giành lấy gói BQTH 3 mùa tới. Liệu nó có lập kỷ lục mới và ngấp nghé mức giá 80 triệu USD mà MP&Silva từng đòi hỏi?