Dân Việt

Cá chết tại miền Trung: Có thể do độc tố cực mạnh từ sinh, hóa học

Ngọc Lê 25/04/2016 17:20 GMT+7
Nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác

Chiều nay, Văn phòng Bộ NNPTNT đã chính thức có công văn thông báo ý kiến kết luận của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám tại cuộc họp đánh giá tình hình và bàn giải pháp khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau khi có hiện tượng cá chết bất thường xảy ra tại vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế diễn ra ngày 23.4.

img

Cá chết hàng loạt ở thị xã Kỳ Anh người dân xót xa vớt lên đầy thuyền. Ảnh: Hữu Anh

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, hiện tượng cá chết bất thường bắt đầu xuất hiện vào ngày 6.4 tại vùng nuôi cá lồng xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, sau đó xuất hiện cá tự nhiên chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Ngay sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và các cơ quan chuyên môn nhanh chóng vào cuộc, thu mẫu, xác định nguyên nhân.

Kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường. Các thông số môi trường thông thường đều nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác. Hiện tại, không còn thấy xuất hiện cá chết như những ngày trước đó.

Để nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất cũng như đời sống của người dân ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, đề nghị thực hiện các giải pháp:

Khẩn trương thu gom tiêu hủy cá chết theo quy định; nghiêm cấm làm thực phẩm hoặc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dưới mọi hình thức; chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác và cá nuôi. Đồng thời, tích cực tuyên truyền để người dân biết thông tin, tránh hoang mang, ổn định tâm lý.

Giao Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 làm đầu mối tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn, nhanh chóng phân tích mẫu vật để xác định nguyên nhân.

Trong khi chờ kết quả xác định nguyên nhân cá chết, giao Sở NNPTNT các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường quan trắc môi trường.

Giao Tổng cục Thủy sản hướng dẫn các địa phương đánh giá, thống kê thiệt hại, kiến nghị và đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân khôi phục hoạt động sản xuất và kinh doanh đặc biệt gia đình chính sách, ngư dân nghèo ven biển. Đồng thời, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của địa phương, tham mưu Bộ báo cáo Thủ tướng chính phủ;

Giao Tổng cục Thủy sản chủ trì, tổng hợp kết quả phân tích nguyên nhân hiện tượng cá chết bất thường.