Cảnh hoang phế ở trung tâm thành phố Pripyat bởi thảm họa Chernobyl. Ảnh chụp hôm 30.9.2015.
Ngày mai (26.4.2016) là tròn 30 năm kể từ khi tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở thành phố Pripyat, Ukraine. Trong một nghiên cứu mới đây, Tổ chức Hòa bình Xanh (tên tiếng Anh: Greenpeace) đưa ra kết luận, thảm họa Chernobyl đã gây ra những thiệt hại về môi trường khó có thể phục hồi và phải mất hàng nghìn năm nữa thành phố Pripyat mới có thể tái định cư.
Các chuyên gia ước tính, các khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sẽ tiếp tục bị bỏ hoang ít nhất 3.000 năm nữa bởi mức độ ô nhiễm độc hại và nguy hiểm ở đây.
“Chưa bao giờ trong lịch sử loài người lại xảy ra thảm họa khủng khiếp dẫn đến một số lượng lớn đồng vị phóng xạ lớn như vậy bị thải vào môi trường”, báo cáo của Tổ chức Hòa bình Xanh viết.
Một góc thành phố “ma” Pripyat.
Tuy nhiên, hiện nhiều chuyên gia hạt nhân đang đảm nhiệm công việc dọn dẹp xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl còn cho rằng, 3.000 năm vẫn là một ước đoán lạc quan.
“Bởi một số đồng vị phóng xạ bị rò rỉ trong sự cố hạt nhân vẫn tồn tại hàng chục nghìn năm. Việc dọn dẹp và khôi phục Chernobyl sẽ không phải chỉ là công việc của thế hệ con cháu chúng ta mà còn hậu duệ của con cháu chúng ta”, nhà báo Eben Harrell và James Marson của tạp chí Time viết.
Thậm chí, ông Ihor Gramotkin, Giám đốc nhà máy điện Chernobyl, trong một cuộc phỏng vấn từng cho biết, ít nhất phải 20.000 năm nữa, thành phố Pripyat mới có thể tái định cư.
“Thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986 là một trong những sự kiện đáng sợ nhất phản ánh mối hiểm họa tiềm tàng của một sự cố hạt nhân. Ước tính có khoảng 220.000 người dân trong khu vực đã phải bỏ nhà cửa đi sơ tán. Bụi phóng xạ từ sự cố này bao phủ diện tích 4.440 km2 đất nông nghiệp và phá hủy 6.820 km2 rừng ở Belarus và Ukraine.
Ngoài ra, gần 150.000 km2 đất giữa Belarus, Ukraine và Nga cũng bị ô nhiễm trầm trọng khiến 8 triệu người bị ảnh hưởng. Tính đến năm 2016, ước tính khoảng 5 triệu người vẫn đang sống trong những khu vực được xem là có nguy cơ nhiễm phóng xạ.
Một phụ nữ tới thăm một căn nhà bỏ hoang ở Pripyat.
Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo mạnh mẽ, một số người dân Ukraine đã quay trở lại những khu vực xung quanh nhà máy hạt nhân Chernobyl – nơi họ gọi là nhà.
“Chồng tôi muốn trở về nơi chôn rau cắt rốn. Ông ấy đã trở về khi nơi đây vẫn bỏ hoang và bị cấm tiếp cận. Ông ấy đã vượt qua hàng rào kẽm gai”, bà Oleksandra Lozbin, một trong khoảng 160 người dân trở về Pripyat chia sẻ với Reuters.
Bà Lozbin đã cùng chồng trở về sinh sống tại khu vực cách Chernobyl khoảng 7 km vào năm 2010.
“Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ quay trở lại đây và sẽ sống ở đây. Con cháu của chúng tôi sẽ được nhìn thấy cuộc sống sinh sôi nảy nở như thế nào ở đây”, bà Lozbin cho hay.