Xuất khẩu nông sản sang Mỹ tăng nhưng gặp khó
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hồi cuối năm 2012, ông và Bộ trưởng T.Vilsack đã có buổi làm việc tại Washington D.C (Mỹ). Và sau cuộc gặp đó, hàng loạt các lĩnh vực mà hai bên cam kết đã được thực hiện có hiệu quả. Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Việt Nam và Mỹ sẽ có cuộc họp bàn về những lĩnh vực quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định, đây là chuyến thăm quan trọng của đoàn Bộ Nông nghiệp Mỹ ngay trước thềm chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới đây.
Đoàn Bộ Nông nghiệp Mỹ do Bộ trưởng T.Vilsack làm việc chính thức với Bộ NNPTNT Việt Nam ngày 25.4. Ảnh: N.L
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, Mỹ hiện là thị trường nông sản quan trọng thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 5,69 tỷ USD và nhập khẩu 1,4 tỷ USD. Trong đó, dẫn đầu là các sản phẩm thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo… Cũng theo báo cáo này, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ của nước ta trong 3 năm qua luôn tăng với tốc độ trên dưới 20%/năm, trong đó thủy sản và gỗ là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Việt Nam tạm dừng nhập khẩu nội tạng trắng Theo Bộ NNPTNT, hiện Mỹ là quốc gia duy nhất được phép xuất khẩu các sản phẩm nội tạng trắng vào Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ tháng 11.2014, Việt Nam tạm dừng nhập khẩu mặt hàng này đối với các doanh nghiệp Mỹ đã vi phạm về lỗi sản phẩm và không cấp mới từ năm 2014 để hai bên thống nhất kết quả thanh tra và các biện pháp xử lý, khắc phục. |
Tuy nhiên, hiện việc xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta sang thị trường Mỹ đang gặp một số khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là việc ngày 4.12.2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã ban hành Bộ quy định cuối cùng thanh tra cá da trơn, họ Siluriformes (bao gồm cá tra, basa của Việt Nam) sang nước này có hiệu lực từ ngày 1.3.2016 và được chuyển đổi đến ngày 31.8.2017.
Mặc dù vậy, theo Bộ NNPTNT, việc thực hiện Bộ quy định này với thời gian chuyển đổi 18 tháng là rất khó với Việt Nam, bởi điều kiện sản xuất và trình độ phát triển có sự khác biệt giữa 2 nước, nên có thể gây gián đoạn thương mại xuất khẩu cá tra, basa từ Việt Nam sang Mỹ với kim ngạch 340 triệu USD/năm.
Cũng vì thế, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ T. Vilsack, Bộ NNPTNT đã đề nghị phía Mỹ cân nhắc việc kéo dài hơn thời gian thực hiện quy định này.
Nông sản Việt Nam bị đối xử không công bằng
Tại buổi làm việc ngày hôm qua, phía Việt Nam cũng đã nêu ra những khó khăn trong quan hệ thương mại (về nông sản) Việt- Mỹ còn nhiều trở ngại và đối xử không công bằng. Cụ thể, quy trình cấp phép cho trái cây Việt Nam rất phức tạp, tốn kém và kéo dài, Đến nay, mới chỉ có 4 loại trái cây của Việt Nam gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải được phép nhập khẩu vào Mỹ nhưng chi phí đáp ứng các điều kiện quá cao như riêng chi phí cho chuyên gia Mỹ sang kiểm tra chiếu xạ hết khoảng 500.000 USD/năm.
Một khó khăn nữa là, Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Liên bang áp đặt mức dư lượng tối đã cho phép (MRL)=0 đối với một số loại thuốc chưa đăng ký thiết lập MRL tại Mỹ, mặc dù được phép sử dụng ở nhiều nước khác cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, chưa kể nông sản Việt Nam còn phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm tại từng tiểu bang của Mỹ.
Đặc biệt, phía Việt Nam cũng nêu lên một trở ngại lớn trong xuất khẩu giữa 2 nước, đó là việc xuất khẩu các mặt hàng tôm, cá tra của nước ta sang Mỹ những năm qua không được đối xử công bằng, liên tục trải qua các vụ kiện chống phá giá, chống trợ cấp từ đầu những năm 2.000 đến nay…
Trên cơ sở những hợp tác và các khó khăn trên, tại buổi làm việc hôm qua, Bộ NNPTNT Việt Nam đã nêu đề xuất hợp tác với phía Mỹ trên 4 lĩnh vực chính: Hợp tác khoa học kỹ thuật; Tăng cường thương mại; Chống buôn bán động vật hoang dã và các hoạt động hợp tác về thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, phía Việt Nam đề nghị phía Mỹ hỗ trợ đối với một số vấn đề “nóng” hiện nay của ngành là nông nghiệp công nghệ cao, vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ nâng cao năng lực kiểm ngư và các kiến thức về luật biển, cứu trợ ngư dân khi có thiên tai. Đặc biệt, Việt Nam cũng đề nghị Mỹ hỗ trợ việc thực hiện các cam kết trong môi trường của Hiệp định TPP.
Việt Nam cũng đề nghị Mỹ sớm cấp phép nhập khẩu 2 mặt hàng vú sữa và xoài do đã thực hiện đầy đủ các thủ tục yêu cầu…
Theo lịch trình, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ T.Vilsack sẽ thăm và làm việc tại Việt Nam trong 3 ngày (25-27.4) để xem xét toàn diện các vấn đề mà phía Việt Nam đề xuất, cũng như tăng cường thúc đẩy quan hệ thương mại nông sản giữa 2 nước.