Gần đây, nhiều người bàn luận về việc "lò đào tạo tiến sĩ" gây tranh cãi của Học viện Khoa học Xã hội đào tạo tiến sĩ. Dưới đây là quan điểm của TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Việc công bố quốc tế với các đề tài tự nhiên dễ tiến hành hơn do đặc thù của công việc. Ví dụ, nếu điều tra về tình trạng ô nhiễm nước hồ Hà Nội, các tạp chí quốc tế sẽ đăng ngay, vì đây là địa phương. Các tác giả nước ngoài khó tiến hành điều tra được.
Tuy nhiên, nếu đề tài xã hội học thì khó, bởi các vấn đề xã hội ở đâu cũng vậy. Đôi khi, Việt Nam gặp vấn đề mà các quốc gia khác gặp cách đó hàng chục năm. Vì thế, các nghiên cứu với ta là mới nhưng với họ thì không.
Do đó, việc đánh giá đề tài có giá trị hay không là cả vấn đề. Chúng ta cần có cái nhìn công bằng hơn với các nhà khoa học trong nước. Hàng trăm giống cây mới phù hợp với Việt Nam đã ra đời nhờ họ đem lại cuộc sống tươi đẹp cho biết bao nông dân.
"Lò sản xuất tiến sĩ" gây xôn xao trên mạng thời gian qua.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn, việc còn tồn tại nhiều tiến sĩ “dỏm”, chất lượng vàng thau lẫn lộn, một phần do các cấp quản lý chuyên môn chưa công bằng, chưa sáng suốt khi quản lý việc cấp bằng tiến sĩ.
Chất lượng tiến sĩ cũng giống như một số vấn đề của Việt Nam bây giờ. Đó là thượng vàng hạ cám, tốt xấu lẫn lộn. Vì thế, chuyện oan khuất hay lọt chất lượng không ổn là hoàn toàn có thể.
Điều đó dẫn đến việc, tình trạng tiến sĩ giấy gây tiếng xấu oan cho các nhà khoa học chân chính.
Là người từng làm nghiên cứu sinh tại nước ngoài và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trong nước, tôi nhận thấy việc nghiên cứu không hề đơn giản.
Với một nghiên cứu sinh, việc thi đầu vào đơn giản nhất. Quá trình làm nghiên cứu bao nhiêu khó khăn, trải qua vài hội đồng với hàng chục chuyên gia đọc và thẩm định.
Nếu suôn sẻ, nghiên cứu sinh có thể có bằng sau 4-5 năm. Với quá trình tôi luyện như vậy, thông thường một tiến sĩ sẽ có hiểu biết và tầm nhìn rộng hơn hẳn so với chính bản thân họ trước khi tiến hành nghiên cứu.
Việc thi đầu vào của Việt Nam cũng rất khác với thế giới ở chỗ, bạn sẽ phải tuân theo quy định của mã số ngành nghiên cứu. Vì thế, nghiên cứu sinh chỉ có thể tiến hành nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực khá hẹp.
Ở nước ngoài, đôi khi bạn có thể chuyển hướng sang ngành nghề có nhiều điểm chung khác. Ví dụ, nếu học Địa lý tự nhiên trong chương trình thạc sĩ, học viên chỉ được nghiên cứu lĩnh vực này ở bậc tiến sĩ.
Ở nước ngoài, là thạc sĩ Địa lý, bạn có thể nghiên cứu Thủy lợi, Khí tượng học, Địa chất, Môi trường... Họ quan niệm: Địa lý nghiên cứu Trái đất, lĩnh vực nào thuộc Khoa học Trái đất đều là nơi bạn có thể tiến hành nghiên cứu tiến sĩ.
Sau khi đỗ trong kỳ thi đầu vào, học viên bắt đầu nghiên cứu độc lập với sự định hướng và giúp đỡ của các giáo sư hướng dẫn. Đây là quá trình nghiên cứu hoàn toàn độc lập nên đòi hỏi sự tự chủ của nghiên cứu sinh rất nhiều.
Đặc biệt, khi bảo vệ trong nước, công việc cuốn chúng ta đi. Nghiên cứu sinh vẫn cần phải kiếm sống, vẫn cần giải quyết các vấn đề cá nhân và gia đình.
Vì thế, công việc nghiên cứu muốn thành công đòi hỏi sự phấn đấu cao độ của nghiên cứu sinh. Trong quá trình nghiên cứu, nghiên cứu sinh cần đăng kết quả nghiên cứu của mình bằng ít nhất 4 hoặc 5 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín.
Sau khi đã viết xong luận án, có nội dung để bảo vệ, nghiên cứu sinh cần trình bày đúng với quy chuẩn nhà nước đã ban hành, đúng kích cỡ, font chữ… Sau đó, luận án sẽ được tiến hành bảo vệ.
Có 3 đến 4 hội đồng bảo vệ khác nhau: Hội đồng tổ bộ môn, hội đồng cơ sở, hội đồng quốc gia. Với mỗi hội đồng, nghiên cứu sinh phải bảo vệ luận án của mình với các giáo sư khác nhau. Tính tổng cộng, luận án được gần 20 vị giáo sư trên cả nước đọc và thẩm định.
Riêng với tóm tắt luận án, nghiên cứu sinh cần mời thêm 30-50 nhà khoa học khác đọc thẩm định và cho ý kiến. Tính ra, một luận án sẽ qua tay gần 100 nhà khoa học trên cả nước.
Đó là chưa kể, việc bảo vệ chính thức còn được công bố trên các phương tiện truyền thông để mọi nhà khoa học có thể biết và đến dự.
Nhiều khi bạn bảo vệ tiến sĩ xong, luận án còn được thanh tra lại xem có vấn đề gì hay không. Vì thế, theo tôi, bảo vệ xong luận án tiến sĩ ở Việt Nam thường được coi là công việc vô cùng vất vả, khó khăn và tốn nhiều công sức và tình cảm.
Về trình độ ngoại ngữ, vì là nghiên cứu sinh từng nghiên cứu tại nước ngoài, tôi được tính là đủ điều kiện ngoại ngữ. Vì thế, tôi cũng không rõ lắm về yêu cầu ngoại ngữ khi làm nghiên cứu sinh.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, do sử dụng cơ sở lý luận tiên tiến mang từ CHLB Đức về nước, tôi phải đọc toàn bộ các tài liệu bằng tiếng Anh (cơ sở lý luận này đã công bố trên thế giới bằng tiếng Anh).
Công việc này cũng không đơn giản nhưng có lẽ cũng chỉ là một trong các phần việc mà nghiên cứu sinh phải làm.
Điều quan trọng nhất để có một tiến sĩ chất lượng chính là thực hiện nghiêm túc mọi khâu trong quá trình thực hiện.
Các nghiên cứu sinh được hướng dẫn và đánh giá nghiêm túc bởi chính giáo sư hướng dẫn và thực hiện mọi khâu theo đúng quy trình và đảm bảo giá trị khoa học, giá trị thực tiễn của đề tài.
Chỉ có vậy, chúng ta mới có thể “sản xuất” được những vị tiến sĩ đóng góp được nhiều cho đất nước, cho khoa học.