Theo thông tin chính thức từ K+, cái giá mà họ bỏ ra để có bản quyền EPL 2016-2019 vào khoảng 40 triệu USD. Mức giá này đảm bảo không cao hơn 20% so với 3 mùa giải trước. Và cũng như giai đoạn 2013-2016, bản quyền là do Công ty mẹ Canal+ mua lại từ MP&Silva sau đó chuyển giao cho K+.
Các thuê bao trung thành của K+ đang lo nhà đài này chỉ “giảm giá ảo” để thu hút thêm thuê bao. Ảnh: ML.
Khoan bàn đến tính thực hư của con số 40 triệu USD (phía hậu trường tin K+ phải mất nhiều hơn 40 triệu USD để có bản quyền EPL), chi tiết cần nhấn mạnh là theo báo cáo của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) gửi Văn phòng Chính phủ thì đến hết năm 2015, nghĩa là sau 6 năm kinh doanh kể từ năm 2009, họ đã lỗ lũy kế 1.979 tỷ đồng. K+ đang vay nợ 66/86 triệu USD tổng số vốn hoạt động, chỉ tính riêng tiền trả lãi vay tiêu tốn khoảng hơn 100 tỷ đồng/năm.
Với những dữ liệu nêu trên, các thuê bao của K+ đang bày tỏ nỗi băn khoăn về khả năng K+ “giảm giá ảo” để thu hút thêm thuê bao (lúc này họ có khoảng 900.000 thuê bao so với 2,5 triệu thuê bao của VTVCab và 2,5 triệu thuê bao của SCTV). Sau khi đã hoàn thành mục tiêu, K+ sẽ nâng giá trở lại để thu hồi vốn (?!). Và thực tế, người ta có lý do để lo lắng bởi với K+, khi họ đã sẵn sàng “xé rào”, “lật kèo” ngay cả với các nhà đài trong “liên minh” của mình, thì việc họ khiến các khách hàng phải ngỡ ngàng với những “chiêu trò” cũng chẳng có gì lạ!
Trao đổi với Dân Việt sáng 26.4, anh Đỗ Mạnh Lực (28 tuổi, nhà ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Tôi e rằng K+ giảm giá thuê bao xuống 125.000 đồng/tháng ở thời điểm trước và ngay sau khi đàm phán xong bản quyền EPL 2016-2019 để xoa dịu dư luận. Bởi nếu vẫn để giá 230.000 đồng/tháng, tôi tin rằng tất cả người hâm mộ dù mê bóng đá Anh, mê Manchester United đến đâu như tôi cũng sẽ phản đối K+ độc quyền, thà chấp nhận xem qua mạng còn hơn”.
Theo anh Lực, nếu trong tương lai, K+ vẫn giữ nguyên giá thuê bao thì quá tuyệt vời: “Khách hàng như tôi rất cần có một lời cam kết từ phía K+ khẳng định họ sẽ không tăng giá thuê bao, ít nhất là trong 3 năm tới. Tôi chỉ e họ phải chi quá nhiều tiền để mua bản quyền EPL nên sau một thời gian khi dư luận lắng xuống, họ lại thêm một số kênh hoặc viện ra một lý do nào đó như cách “người anh em” VTVcab đã làm trong vấn đề bản quyền Champions League để… tạm dừng EPL hoặc tăng lại giá cước”.
Chia sẻ với ý kiến của anh Lực, chị Lã Luyến Thương – chủ một quán cafe ở quận Gò Vấp – TP.HCM cho hay: “Với những người kinh doanh như chúng tôi, EPL là “món ăn” không thể thiếu để phục vụ khách hàng. Thuê bao của tôi là VTVcab, mỗi tháng mất 110.000 đồng. Sau đó khi muốn có thêm các kênh K+ thì phải chi thêm 150.000 đồng/tháng. Gia đình tôi có 4 ti vi và phải mất 600.000 đồng/tháng chỉ riêng cho K+. Như vậy đã là quá đắt rồi nhưng cũng đành chịu. Trong tương lai, nếu K+ tăng giá, tôi sẽ phải cắt bớt ti vi ở quán”.
Trong khi đó, anh Lại Xuân Hạnh (29 tuổi, nhà ở Đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội) tỏ ra mềm dẻo hơn: “Tôi mới lắp K+ từ năm ngoái, chủ yếu để xem bóng đá thôi và thấy cũng rất ổn. Giờ thuê bao giảm xuống 125.000 đồng/tháng thì còn gì bằng. Cá nhân tôi tin thời gian tới K+ sẽ tăng giá thuê bao để bù đắp chi phí bỏ ra mua bản quyền EPL. Chỉ mong họ đừng tăng quá cao để người hâm mộ vẫn còn chịu được”.
Dưới góc nhìn của một thuê bao trung thành của VTVcab, anh Nguyễn Hà Thành (31 tuổi, nhà ở Minh Khai, Hà Nội) bộc bạch: “Từ lâu gia đình tôi đã quen với VTVcab nên ngại thay đổi. Bóng đá cũng chỉ mình tôi xem là chính nên nếu thời điểm nào muốn xem K+ thì ra ngoài hàng mua cái thẻ 125.000 đồng/tháng, mua 3 tháng được tặng 1 tháng, như thế cho tiện, thích dừng lúc nào thì dừng”.