16h00: Đại diện FHS nói do bận cuộc làm việc với công an và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, nên xin dừng cuộc họp báo.
Clip ông Chu Xuân Phàm xin lỗi vì phát ngôn gây sốc.
Phó Tổng giám đốc điều hành Trương Phục Ninh cho biết: “Tôi là người duy nhất đại diện FHS phát ngôn về các vấn đề của FHS tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ trả lời các câu hỏi của các báo sau”.
Trước khi rời họp báo, các phóng viên đặt câu hỏi với ông Chu Xuân Phàm về việc ông suy nghĩ gì khi phát biểu như vậy với báo giới, ông Phàm cúi đầu buồn bã nói: “Tôi thành thật xin lỗi đối với câu nói của tôi!".
Các lãnh đạo FHS tại cuộc họp báo.
15h55: Trả lời câu hỏi "Thời gian qua FHS đã nhập bao nhiêu tấn hóa chất?", ông Ninh cho biết, liên quan đến vấn đề nhập khẩu hóa chất, FHS đã cung cấp đầy đủ hồ sơ cho cơ quan công an. FHS cam kết không dùng hóa chất tẩy rửa đường ống, mà chỉ làm mát trong lò. Tất cả nguồn nước tẩy rửa đường ống sẽ xử lý đạt chuẩn mới xả thải ra môi trường.
15h50: PV đặt câu hỏi: Dư luận cho rằng FHS mang 1 công nghệ rất lạc hậu vào triển khai xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Đề nghị phía FHS trả lời về vấn đề này cũng như nghi vấn FHS xả thải gây chết cá?
Ông Ninh nói: Về vấn đề kỹ thuật, FHS đã nhập khẩu các máy móc hiện đại từ Nhật Bản. FHS khẳng định máy móc này là hiện đại. Bên cạnh đó, FHS đã đầu tư 45 triệu USD hệ thống xả thải và có thể nói đây là hệ thống hiện đại nhất hiện nay. Về việc cá chết hàng loạt và hệ thống xả thải của FHS có mối liên quan hay không thì các cơ quan chức năng Việt Nam đang vào cuộc điều tra. "Cho đến khi có kết quả chính thức từ Chính phủ Việt Nam, chúng tôi sẽ không bàn luận gì thêm. Vì nếu chúng tôi có đưa ra ý kiến thì cũng sẽ không có giá trị gì lúc này".
PV tiếp tục chất vấn: Hệ thống xả thải của FHS tuy rằng có giá trị lớn và hiện đại nhưng chưa có cơ quan chức năng nào của Việt Nam được giám sát vấn đề ngày. Vậy phía FHS có thể nói rõ hơn đã bao nhiêu lần cơ quan Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Tĩnh đến lấy mẫu từ cuối năm 2015 đến nay, các lần được thực hiện như thế nào? Số lần xúc rửa đường ống và sử dụng hóa chất đường ống như thế nào, FHS tại sao không báo cáo?
Ông Khâu Nhân Kiệt trả lời: Tất cả các loại nước thải trong FHS được tập trung, xử lý qua hệ thống xử lý nước xả thải, khi nào đủ điều kiện tiêu chuẩn của Việt Nam thì FHS mới cho xả thải. Cơ quan liên quan đến môi trường Việt Nam có thể kiểm tra bất cứ lúc nào họ muốn. FHS có mời đơn vị thứ ba là Trung tâm Quan trắc môi trường Hà Tĩnh vào kiểm tra. Mỗi lần kiểm tra như vậy đều đảm bảo môi trường, các quy định pháp luật của Việt Nam.
15h48: Phóng viên Dân Việt liên hệ với Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh là ông Nguyễn Quốc Hà, nhưng điện thoại ông này tắt máy. Tiếp tục gọi cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, nhưng ông cũng xin lỗi không trả lời vì đang dự một hội nghị tại tỉnh.
15h45: Phóng viên Dân Việt đã liên hệ với Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Xuân Thủy, nơi đặt Khu công nghiệp Vũng Ánh, để xem quan điểm của lãnh đạo huyện về vụ việc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, toàn bộ KCN này nằm trên địa bàn thị xã Kỳ Anh. Huyện Kỳ Anh chỉ có một diện tích rất nhỏ có đặt KCN này, chủ yếu là 1-2 công ty cung cấp nước cho Fomorsa, nên không nắm rõ hoạt động của doanh nghiệp này có ảnh hưởng đến môi trường biển và sinh thái hay không.
15h41: PV hỏi có phải FHS xả nước thải gây ra tình trạng cá chết, ông Ninh nói việc này cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra.
15h39: Trước đó có thông tin cho rằng cuộc họp báo được Formosa ấn định vào 14h, nhưng do chưa xin phép làm thủ tục của cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh về tổ chức cuộc họp báo nên phải hoãn lại để xin phép. Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Tân Linh - Giám đốc Sở TTTT Hà Tĩnh - xác nhận, Sở và các cơ quan liên quan đã cấp phép cho Formosa đúng quy định, không hề có sự cản trở hay gây khó dễ cho cơ quan này.
Theo quy định, việc tổ chức họp báo theo các bước sau đây: Bước 1, doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định pháp luật. Bước 2, nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở TTTT. Khi nhận hồ sơ, Sở TTTT sẽ kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ. Bước 3, Sở sẽ trả kết quả giải quyết hồ sơ tại bộ phận trả kết quả...
15h38: Đại diện FHS nói "xin hết, nếu PV nhà báo có câu hỏi gì sẽ tổng hợp lại, sau đó FHS sẽ trả lời".
Lãnh đạo FHS cùng đứng lên xin lỗi.
15h30: Công ty Formosa thông báo, dự kiến đến 15h sẽ họp báo nhưng đến khoảng 15h30 buổi họp báo mới bắt đầu vì đang xin phép và chờ cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh vào.
Theo bảng tên đặt trên bàn chủ tọa, buổi họp báo có các đại diện của Formosa Hà Tĩnh gồm: Phó Tổng giám đốc Dư Khánh Chương, Phó Tổng giám đốc điều hành Trương Phục Ninh; các thành viên Ban Giám đốc gồm các ông: Trần Vĩnh Long, Hoàng Dật Thuyên, Khâu Nhân Kiệt, Thái Chi Pháp và ông Chu Xuân Phàm.
Mở đầu buổi họp báo, ông Trương Thục Ninh nói: Hôm nay Formosa tổ chức cuộc họp báo để nói về việc ông Chu Xuân Phàm phát ngôn trên báo chí là không chính xác. Ông Phàm được phân công làm việc tại Hà Nội, không được phân công phát ngôn tại Hà Tĩnh. Phát ngôn Fromosa Hà Tĩnh là ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc FHS. Trong buổi nói chuyện với báo chí hôm qua (25.4), ông Phàm đã nói chỉ mang tính cá nhân làm tổn hại nghiêm trọng. Ông Phàm sẽ bị công ty xử phạt nghiêm khắc.
Ông Chu Xuân Phàm tại buổi họp báo.
Ông Ninh cho biết, Formosa Hà Tĩnh đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam. "Nhân đây xin hứa thực hiện đúng quy định Việt Nam, đặc biệt là vấn đề đảm bảo về môi trường. Từ ngày 22.4 đến nay, các cơ quan Việt Nam cũng đã đến đây kiểm tra, kiểm nghiệm. Formosa cũng đã cung cấp đầy đủ. Nguyên nhân cá chết hàng loạt thì sẽ chờ cơ quan Việt Nam kết luận, lúc đó FHS sẽ công bố đầy đủ.
Trước tiên, Ban lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xin lỗi Chính phủ Việt Nam và người dân về những thông tin trên. Sau đó, 7 lãnh đạo FHS cùng đứng lên xin lỗi.
Đại diện của Formosa Hà Tĩnh thông báo xin lỗi cuộc họp có thể chậm theo lịch dự kiến vì chưa hoàn thành thủ tục cấp phép họp báo với các cơ quan chức năng Hà Tĩnh.
15h08: Liên quan đến việc dư luận cho rằng, vụ việc cá chết ở Hà Tĩnh, chính quyền cấp tỉnh, huyện vào cuộc chậm, thiếu chỉ đạo kiểm tra đối với Fomorsa, thiếu những sự chia sẻ với ngư dân, phóng viên Dân Việt đã điện thoại đến một số lãnh đạo tỉnh.
Phóng viên Dân Việt gọi điện cho ông Võ Kim Cự - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Phóng viên đặt câu hỏi: Liên quan đến vụ cá chết, nhiều bạn đọc ở Hà Tĩnh chia sẻ trên mạng xã hội và Facebook, cho rằng: Nếu vụ việc này xảy ra từ thời ông Võ Kim Cự làm Chủ tịch sẽ khác, ông sẽ chỉ đạo kiểm tra Fomorsa và cùng xuống với dân để chỉ đạo xử lý vụ việc một cách triệt để. Nếu đang đương chức, ông sẽ xử lý vụ việc này như thế nào?
Ông Võ Kim Cự cảm ơn sự kỳ vọng của bạn đọc, nhưng xin không bình luận vì hiện ông đã chuyển sang công tác khác. Ông cũng tin với sự chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền Hà Tĩnh thì vụ việc sẽ được xử lý một cách tốt nhất...
15h03, phóng viên nối máy điện thoại với tân Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh, nhưng ông Khánh ông bốc máy. Được biết, ông Đặng Quốc Khánh là tiến sĩ, vừa được bầu chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 21.4.
13h chiều nay, đông đảo phóng viên đã có mặt tại trụ sở Formosa Hà Tĩnh.
Sau khi PV làm thủ tục ngoài cổng chính vào phòng chờ, đến khoảng 14h40 cùng ngày, nhân viên Formosa cho biết xin làm phiền các phóng viên cho xem giấy tờ và thẻ nhà báo trước khi vào cuộc họp. Hiện, công tác kiểm tra đang được nhân viên Formosa thực hiện để bắt đầu cho cuộc họp báo.
Được biết, trước đó cuộc họp báo được Formosa ấn định vào 14h, nhưng chưa xin phép làm thủ tục của cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh về tổ chức cuộc họp báo nên phải hoãn lại để xin phép.
Dự kiến cuộc họp báo diễn ra 15h.
Nhân viên bảo vệ Formosa Hà Tĩnh và phiên dịch nói vì vấn đề an ninh nên xin làm phiền kiểm tra giấy tờ các PV trước cuộc họp.
Mặc dù theo dự kiến 15h chiều nay (26.4), cuộc họp báo mới diễn ra, nhưng từ 13h chiều cùng ngày đã có rất đông PV của các báo, đài Trung ương và địa phương đã có mặt tại văn phòng tầng 2 tòa nhà Formosa Hà Tĩnh tại xã Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Như Dân Việt đã đưa tin, tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế thời gian qua đang xảy ra tình trạng cá chết dạt vào la liệt trên bờ biển. Không chỉ cá biển, ngay cá nuôi của nhiều hộ dân cũng chết hàng loạt. Cách đây gần 3 tuần, nhiều hộ nuôi cá lồng ở vùng biển Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vô cùng hoang mang khi cá nuôi bỗng dưng chết hàng loạt, thiệt hại kinh tế rất lớn. Theo các hộ nuôi, ngày 6.4 cá vẫn ăn bình thường, nhưng từ 2h ngày 7.4 sau khi thủy triều lên, cá bắt đầu có hiện tượng bơi lờ đờ trên mặt nước, rồi chết trắng bụng. Không chỉ cá nuôi trong lồng bè bị chết, mà theo nhiều ngư dân, tình trạng cá tự nhiên ngoài biển Vũng Áng cũng chết trắng. Tương tự, hiện tượng nhiều loài cá chết và trôi dạt vào bờ bắt đầu được phát hiện từ ngày 10.4 tại bờ biển các xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch), Ngư Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ)... Số lượng cá chết được phát hiện nhiều dần vào những ngày sau đó tại các địa phương dọc bờ biển Quảng Bình. Các loài cá chết chủ yếu là các loài cá ven bờ sống ở tầng đáy như: cá đục, cá liệt, cá bò, cá phèn... Trước hiện tượng trên, người dân và các đơn vị kinh doanh dịch vụ phải điều động nhân viên ra thu gom xác cá để tránh ô nhiễm bờ biển. |