Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong tháng 3 vừa qua, Chính phủ, Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã tiến hành một đánh giá nhanh, ước tính trong 18 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có khoảng 2 triệu người không được sử dụng nước sạch cho sinh hoạt và 1,1 triệu người cần hỗ trợ về lương thực. Hơn 60.000 phụ nữ và trẻ em đang lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng và sinh kế của khoảng 1,75 triệu người đã bị thiệt hại nặng nề do hạn hán ngày càng gia tăng.
Hội nghị kêu gọi hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam, chiều 26.4.
Cũng theo báo cáo, một phần ba tổng số tỉnh đang ảnh hưởng nặng nề do hạn hán kéo dài, 8 tỉnh khác cũng đang trong nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán trong các tuần tới đây, do tình trạng thiếu nước và phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ vì sử dụng nước không hợp vệ sinh, dự báo khả năng bùng phát của các dịch bệnh do thiếu nước. Thêm vào đó, an ninh lương thực bị đe dọa nghiêm trọng do mất mùa vì hạn hán sẽ là nguy cơ dẫn đến tăng tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.
Đáng chú ý, tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng hạn hán và suy giảm mực nước ngầm đã làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử kể từ 90 năm qua. Mặc dù xâm nhập mặn là một hiện tượng xảy ra thường niên, song năm nay xâm nhập mặn đã bắt đầu sớm hơn bình thường 2 tháng, với mức độ xâm nhập sâu hơn vào nội địa trung bình từ 20 - 30km. Hậu quả của hạn hán và xâm nhập mặn là hơn 40.000ha cây trồng bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, mất năng suất và khoảng 25.900ha đất trồng hiện nay đang phải bỏ trống không thể sử dụng.
Ngay từ cuối năm 20015, Chính phủ đã cung cấp 5.223 tấn lương thực cứu trợ cho ba khu vực bị hạn hán và đã phân bổ 1.008 tỷ đồng thực hiện các nỗ lực cứu trợ hạn hán ở cấp quốc gia. Tính đến thời điểm hiện nay, 2 triệu mét khổi nước đã được cung cấp bằng xe tải cho các vùng hạn mặn...
Theo Bộ trưởng Phát, trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, mới đây, theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý xả nước cho các vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 21.4 đến 31.5 ở mức 1.500m3/s.
“Dù mức xả trên có thấp hơn so với trước, nhưng chúng tôi tin rằng sẽ có tác động tích cực nhằm hạn chế tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại một số vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long” - Bộ trưởng Phát khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Phát, theo kế hoạch thì khoảng 18 đến 20 ngày nữa các vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ nhận được nước từ các đập của Trung Quốc.