Nhiều mô hình trăm triệu
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Chí Lượng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, toàn huyện hiện có 52 trang trại chăn nuôi, 115 mô hình chuyển đổi từ ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Huyện cũng đã tiến hành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang quy hoạch đồng ruộng được 92ha để xây dựng các mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), trong đó nhiều mô hình đã đem lại thu nhập cao cho người dân như mô hình chăn nuôi ở xã Yên Bình, Bình Yên; trồng thanh long ruột đỏ ở Kim Quan, Yên Bình; trồng hoa ly ở Đại Đồng...
Ông Cấn Đức Hồng ở thôn Thuống, xã Yên Bình trồng thanh long ruột đỏ đem lại hiệu quả
kinh tế cao. Ảnh: H.V
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp của Thạch Thất năm 2015 đã đạt 203 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,64%, giảm 12,1% so với năm 2011. |
Ở xã Hương Ngải, trang trại 1,4ha của anh Nguyễn Đỗ Thế Cường đang được xem là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương. Cùng với ao nuôi cá lăng hàng nghìn con/lứa, anh Cường còn trồng 2 sào chùm ngây – một loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng. Năm 2015, chỉ tính riêng tiền lãi từ bán cá lăng và rau chùm ngây, anh đã đút túi hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn sở hữu một vườn lan đẹp có tiếng với hơn 100 loài, trở thành địa chỉ tham quan, cung cấp hoa lan uy tín cho nhiều người chơi.
Còn ở xã Bình Yên, dù là địa phương có thế mạnh về phát triển công nghiệp, dịch vụ, song không vì thế mà lãnh đạo xã coi nhẹ nông nghiệp. Ông Lê Văn Mão - Chủ tịch UBND xã Bình Yên chia sẻ: “Trong 5 năm qua, xã đã tập trung dồn điền đổi thửa, quy hoạch các vùng sản xuất lúa, trồng hoa, phát triển chăn nuôi, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp lên 150 - 200 triệu đồng/ha/năm”.
Không để lãng phí đất
Theo báo cáo của huyện Thạch Thất, từ năm 2011 đến nay, huyện đã đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó nguồn vốn xã hội hóa đạt gần 1.600 tỷ đồng. Nhờ được đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, thủy lợi, trường, trạm y tế nên bộ mặt nông thôn các xã trên địa bàn ngày càng khang trang, hiện đại.
Ông Hoàng Chí Lượng cho biết: “Trên địa bàn hiện có một trang trại sản xuất nông sản hữu cơ lớn nhất miền Bắc, ngoài ra còn có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn khác. Huyện sẽ tạo điều kiện hỗ trợ các xã xây dựng mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho những loại nông sản có thế mạnh để nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân”.
Tuy nhiên, theo đánh giá, những tiềm năng nông nghiệp sẵn có của huyện Thạch Thất vẫn chưa được khai thác hiệu quả; quá trình lập quy hoạch đang gặp không ít khó khăn do nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch của T.Ư và thành phố, trong đó phải kể đến các dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội..., khiến công tác quy hoạch của huyện “đụng đâu vướng đó”.
Để tránh lãng phí tài nguyên đất, huyện đã đề xuất thành phố cho phép chuyển đổi sang trồng rau an toàn, hoa, cây cảnh, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đối với những diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi từ nhiều năm trước. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện sẽ đạt 70 triệu đồng/năm, có 100% số xã hoàn thành xây dựng NTM.