Ngày 26.4, trao đổi với Dân Việt, ông Ngô T.Đ. (44 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết, vào khoảng năm 2009, ông có tham gia các công tác từ thiện do Hồ Quang Hải - tức người bị kết án 4 năm tù giam vì làm bằng y dược giả vào năm 2014 - tổ chức. Trong những lần đi từ thiện đó, ông quen Lê Văn Phúc - lúc đó đang là nhân viên Phòng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm Sở Y tế TP.HCM, tiền thân của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố hiện nay.
“Tôi cũng mua bằng giả…”
Chính ông Phúc đã gợi ý làm bằng dược sĩ đại học giả với ông Đ. “Do thiếu suy nghĩ và không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề nên tôi đã đồng ý”, ông Đ nói.
Tường trình mới nhất của ông Đ gửi Dân Việt. Ảnh: Quốc Ngọc
Ông Đ đã đưa cho ông Phúc số tiền khoảng mười mấy triệu đồng (do đã lâu ông không còn nhớ chính xác) tại một quán cà phê ở quận 5 khi Phúc giao bằng dược sĩ giả cho ông. Sau đó, Phúc tiếp tục gợi ý nếu muốn ra luôn chứng chỉ hành nghề (CCHN) thì đưa thêm cho anh ta khoảng mười mấy triệu nữa, tức tổng cộng cả bằng lẫn chứng chỉ khoảng 30 triệu đồng. “Ông Phúc bảo tôi chỉ cần cung cấp các giấy tờ cá nhân, bằng (giả) thì có rồi, mọi thứ còn lại ông sẽ lo để có CCHN, tôi chỉ việc đưa tiền”, ông Đ kể. Thậm chí, theo ông Đ, thủ tục cấp CCHN đòi hỏi phải có giấy xác nhận thâm niên công tác trong ngành dược là 5 năm, nhưng không hiểu làm cách nào, ông Phúc cũng có thể lo tất.
Ông Đ đã dùng CCHN do Phúc “sản xuất” để mở nhà thuốc ở quận 7. “Làm được một vài năm, tôi nhận ra hành vi trái pháp luật của mình nên đã tự làm tường trình lại mọi thứ để sau này cần thiết sẽ đưa cho cơ quan công an. Đồng thời, cũng dừng làm nhà thuốc”, ông Đ tâm sự. Đáng tiếc, trong lúc làm thủ tục chấm dứt hoạt động nhà thuốc, thì CCHN của ông Đ sắp hết hạn, sợ bị gián đoạn quá trình xin chấm dứt hoạt động, nên ông lại làm đơn xin Sở Y tế thành phố đổi CCHN vào khoảng đầu năm 2015. Theo đó, đến tháng 4.2015, ông vẫn được Sở Y tế TP.HCM cấp CCHN mới dù bằng dược sĩ của ông là bằng giả.
“Sau khi chấm dứt hoạt động nhà thuốc, tôi hoàn toàn không sử dụng bằng, chứng chỉ giả vào bất cứ việc gì nữa”, ông Đ cúi gầm mặt cho biết.
Sở Y tế thừa nhận có cấp CCHN thật trên bằng giả
Như vậy, cùng với đơn tố cáo trước mà chúng tôi đã đăng tải, đây là trường hợp thứ hai lên tiếng tố giác hành vi làm bằng giả của ông Phúc. Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong giải trình cho cơ quan, ông Phúc phủ nhận không làm bằng giả và không liên quan gì đến đường dây bằng giả của Hồ Quang Hải. Trước mắt, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám đốc, phòng tổ chức cán bộ và Thanh tra Sở Y tế về vụ việc, lãnh đạo chi cục đã chuyển ông Phúc từ vị trí trưởng đoàn thanh tra sang làm công tác hành chính tại phòng thanh tra chi cục.
Trao đổi với chúng tôi về trách nhiệm của cơ quan quản lý y tế trong vấn đề bằng giả mà vẫn được cấp CCHN thật, bác sĩ Bùi Minh Trạng - Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM - cho biết, ngay sau khi vụ việc bị báo chí phanh phui, lãnh đạo sở đã chỉ đạo khẩn trương rà soát công tác cấp CCHN từ năm 2012 đến nay.
Theo báo cáo của phòng quản lý dịch vụ y tế, phòng đã từng phát hiện 25 hồ sơ xin cấp CCHN có dấu hiệu bằng giả và đã chuyển cơ quan công an. Trong đó, có những hồ sơ liên quan đến vụ án đường dây làm bằng giả của Hồ Quang Hải. Ngoài ra, sở cũng đã cấp CCHN thật cho 2 trường hợp bằng giả. Thậm chí, phát hiện cả giấy xác nhận thâm niên công tác, xác nhận thời gian thực hành cũng được làm giả. Lãnh đạo sở đã yêu cầu làm ngay các thủ tục để thu hồi.
Về vấn đề người mua bằng giả sẽ có trách nhiệm ra sao trước pháp luật, ông Trạng cho rằng, trường hợp mua bằng giả và sử dụng thì mới có cơ sở xem xét xử lý.
Bằng giả mà vẫn có thể sở hữu CCHN quả là một mối nguy cho xã hội, đặc biệt với ngành y tế, hậu họa chính là sức khỏe và tính mạng của người dân. Sở đã thừa nhận có những trường hợp bằng giả vẫn được cấp CCHN, vậy lỗi nằm ở đâu? Công luận đang chờ câu trả lời từ Sở Y tế TP.HCM.