Lao đao vì hạn, mặn
Theo báo cáo của Cục Nuôi trồng thủy sản (Bộ NNPTNT), hiện nay tình hình xâm nhập mặn đang gây ảnh hưởng trực tiếp đối với nuôi trồng thủy sản ở một số tỉnh của khu vực ĐBSCL, nhất là đối với nuôi tôm nước lợ. Độ mặn hiện dao động từ 15 – 30‰. Riêng các tỉnh: Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang độ mặn cao hơn 30‰, xâm nhập đi sâu vào 70km và có những vùng nước ngọt đã bị xâm mặn lên đến 5 – 8‰.
Vùng trồng lúa - tôm tại xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Trong ảnh: Một ruộng lúa vừa thu hoạch xong được người dân chuyển sang nuôi tôm khi nước mặn xâm nhập. Ảnh: Chí Quốc
Hiện nay, một số tỉnh như: Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau và Bạc Liêu do nắng nóng, mực nước đầm nuôi thấp, môi trường không ổn định, kết hợp với độ mặn cao làm cho tôm giảm sức đề kháng, dễ sốc và chết ở vùng nuôi quảng canh cải tiến, diện tích thiệt hại ước tính 2.000ha. Tại Bến Tre, diện tích nuôi hàu bị thiệt hại lên đến trên 350ha, ảnh hưởng đến trên 500 hộ nuôi, giá trị thiệt hại lên tới trên 25 tỉ đồng. Cụ thể, đến thời điểm này 80%/36ha của 450 hộ nuôi hàu tại xã Thừa Đức (huyện Bình Đại, Bến Tre) gần như mất trắng do độ mặn tăng cao. Ước sản lượng mất trắng 2.250 tấn, trị giá hơn 47 tỷ đồng. Vùng nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Đại cũng bị ảnh hưởng do độ mặn tăng cao từ 37 - 39%o làm nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp bị tổn thất, hết vốn tái sản xuất.
Cùng với đó, nước mặn trên sông Tiền đã vượt qua xa cầu Rạch Miễu và đang uy hiếp khoảng 1.200ha cá điêu hồng nuôi trên dòng sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang. Ông Trần Quang Hành - Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết: Trên địa bàn huyện có hơn 40 hộ nuôi cá bè quy mô lớn, tập trung nhiều ở thị trấn Mái Dầm và xã Đông Phú, với vật nuôi chủ yếu là cá điêu hồng, thát lát, cá tra,… Tuy nhiên, năm nay tình hình xâm nhập mặn đến sớm, ở thị trấn Mái Dầm độ mặn khoảng 2,3‰, sông Cái Côn (xã Phú Hữu) là 3‰, khiến cá bị sốc và con nào yếu, bị bệnh là chết.
Đứng bên bè cá, ông Huỳnh Minh Thành, ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành chia sẻ: “Cuối năm 2015, đột nhiên thủy triều dâng cao, kèm theo mặn khiến cá trong bè của gia đình tôi bị choáng, nổi lờ đờ trên mặt nước. Qua ngày hôm sau con nào yếu là chết hết, khiến gia đình tôi bị hao hụt nặng”.
Trước tình hình trên, nông dân khu vực ĐBSCL đã nghĩ ra nhiều cách để hạn chế thủy sản nuôi bị thiệt hại do mặn. Ông Phạm Minh Vĩnh, ở ấp 4, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) cho biết: “Năm nay nước mặn lấn sâu nên nhiều hộ nuôi cá đã tìm đủ mọi cách để phòng, chống nhằm bảo vệ cá của gia đình. Người nuôi lâu năm, vốn nhiều sẽ tự đầu tư máy đo độ mặn. Còn tôi nuôi nhỏ lẻ và tự nhiên thì thường xuyên cập nhật tin tức, nếm thử vị của nước và trữ nước ngọt trong ao rồi mới thả nuôi”. Để tránh thất thoát, ông Vĩnh chọn nuôi một số loại cá giống chịu mặn như: rô phi, cá lóc, cá sặt rằn nuôi chung, đồng thời nạo vét ao và đắp bờ đê kiên cố, tránh mặn xâm nhập vào ao.
Bám sát khung thời vụ
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn T.Ư, những gì đang diễn ra ở ĐBSCL mới chỉ là khởi đầu và El Nino sẽ tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến giữa năm nay. Năm 2016, nhiệt độ trung bình sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-1,50C, lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30 - 50%. |
Mới đây, Tổng cục Thủy sản đã ra công văn yêu cầu Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi. Chủ động theo dõi sát diễn biến thời tiết, dòng chảy và công tác quan trắc cảnh báo môi trường, cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến vùng nuôi và người nuôi. Tiếp tục nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi, mua nhiên liệu, hỗ trợ người dân bơm nước ngọt cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm.
Sở NNPTNT các tỉnh thực hiện khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm 2016 của Tổng cục Thủy sản và khuyến cáo chỉ những hộ nuôi có đủ điều kiện điều tiết độ mặn, nhiệt độ và quản lý tốt các yếu tố môi trường mới thả nuôi. Người nuôi tôm không nên thả giống ở những vùng có độ mặn cao trên 25‰ (không phù hợp cho phát triển của tôm và dễ xảy ra dịch bệnh). Nếu thả nuôi phải chủ động bổ sung nguồn nước ngọt để có độ mặn phù hợp trước khi thả giống và điều chỉnh trong quá trình nuôi khi nắng nóng, độ mặn tăng. Vùng không có điều kiện thì hạn chế thả giống hoặc thả chậm đón mùa mưa vào tháng 6.2016.
Tại Bến Tre, độ mặn 9 – 10%o đã xâm thực vào ao, mương vườn khiến nhiều loài cá da trơn chết. Bà Lê Kim Ngọc - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre khuyến cáo, người nuôi cần áp dụng một số biện pháp ứng phó với hạn, mặn như tận dụng các ao, mương trữ nước ngọt dự phòng, gia cố bờ bao, tránh tình trạng rò rỉ, tuân thủ mật độ thả giống.
Quản lý chặt chẽ khâu cho cá ăn, định kỳ 7 - 10 ngày sử dụng hóa chất, sản phẩm xử lý nước (nằm trong danh mục lưu hành của Bộ NNPTNT), hạn chế gây ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản. Trường hợp cấp thiết, có độ mặn từ 5‰ trở lên thì tiến hành thay nước từ từ.
Còn những hộ nuôi cá lồng, bè thì chú ý theo dõi chặt chẽ diễn biến của độ mặn trên các kênh, sông để chủ động di dời kịp thời đến nơi an toàn. Nếu trong trường hợp gần xuất bán mà rơi vào thời gian xâm nhập mặn kéo dài thì tiến hành thu hoạch sớm, nhằm tránh rủi ro xảy ra.