Dân Việt

Tiền đạo Shinji Okazaki (Nhật Bản): Ông trùm kinh doanh đa cấp

Trường Thanh 30/04/2016 15:00 GMT+7
Shinji Okazaki là người hùng thầm lặng trên hàng công của Leicester City. Nhưng ít ai biết được rằng, chàng tiền đạo Nhật Bản này còn là một ông trùm kinh doanh đa cấp, với mạng lưới trải dài từ Nhật Bản, Đức cho tới nước Anh.

Cả nhà bỏ thể thao làm đa cấp

Shinji Okazaki sinh ra trong một gia đình có truyền thống thể thao. Bố anh là Akira Hiroshi, cựu cầu thủ bóng chày - môn thể thao rất phổ biến tại Nhật Bản. Mẹ của tiền đạo Leicester là bà Tomiyo Okazaki, hay còn gọi là Fumiko vốn là VĐV tennis, từng chiến thắng nhiều giải đấu ở Nhật Bản. Sau khi giải nghệ, bà Tomiyo Okazaki chuyển sang làm công tác huấn luyện.

img

Tiền đạo Shinji Okazaki.

Là bậc cha mẹ, ai cũng muốn con nối nghiệp mình vì thế ngay từ nhỏ, Okazaki đã có hai con đường thể thao để lựa chọn: tennis hoặc bóng chày. Trên thực tế, Okazaki từng tập cả bóng chày và tennis dưới sự chỉ bảo của cha mẹ anh. Nhưng rốt cuộc, Okazaki lại đi theo con đường của ông anh trai Kasami Hiroshi, đó là bóng đá.

Bóng đá học đường rất phát triển ở Nhật. Okazaki cùng anh trai Kasami lần lượt chơi cho các đội bóng của trường tiểu học Keyakidai, trung học Keyakidai, trung học Takarazuka, trung học Takigawa. Năm 2003, Okazaki và anh trai Kasami vô địch giải đấu cấp quốc gia dành cho các đội bóng trung học (National High School Championship).

Tốt nghiệp phổ thông, Kasami sang Paraguay thử việc nhưng thất bại và sau đó anh đã làm trợ lý HLV các đội bóng trường trung học. Trong khi đó, những năm tháng chơi bóng ở trung học đã giúp Okazaki lọt vào mắt xanh của Shimizu S-Pulse, rồi thành danh tại Đức trong các màu áo Stuttgart và Mainz trước khi đến với Leicester City mùa Hè năm ngoái.

Nhưng tại Nhật Bản, gia đình của Okazaki không sống bằng nghề… thể thao. Theo tờ Soccer King (Nhật), năm 2010, bà mẹ Tomiyo bỏ hẳn nghề HLV tennis, bắt đầu trở thành nhà phân phối của một công ty đa cấp lớn. Do thu nhập khá, ông bố Akira Hiroshi cũng đi vào mạng lưới đa cấp của vợ.

Vài năm sau, ông anh trai Kasami cũng từ bỏ luôn nghề trợ lý HLV ở các trường trung học, thành lập một công ty chuyên tổ chức các trận đấu futsal. Nhưng thực chất, Kasami tận dụng mối quan hệ từ bóng đá để phát triển mạng lưới đa cấp mà anh là một nhà phân phối.

Okazaki cũng trở thành “thanh niên đa cấp”

Gia đình của Okazaki là những nhà phân phối của 1 tập đoàn đa cấp. Tập đoàn này có trụ sở chính tại Mỹ, hoạt động tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hình thức kinh doanh của họ là bán hàng trực tiếp hoặc bán hàng đa cấp với nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau liên quan đến lĩnh vực sức khỏe, thẩm mỹ và hàng tiêu dùng.

Gia đình Okazaki tại Nhật Bản là nhà phân phối lớn cho công ty đa cấp với sản phẩm chủ yếu là thực phẩm chức năng. Sản phẩm này được quảng bá là “sự kết hợp của tự nhiên và khoa học” nhằm “cải thiện sức khỏe, nâng cao đời sống con người”.

Dễ hiểu khi cha mẹ và anh trai của Okazaki trở thành nhà phân phối cho công ty đa cấp ở hạng mục kinh doanh thực phẩm chức năng. Bởi lẽ họ vốn là những VĐV và HLV thể thao nên rất dễ tận dụng mối quan hệ thầy-trò để bán sản phẩm được quảng bá là rất hữu ích cho vận động viên.

Từ những mối quan hệ trong thể thao, mạng lưới kinh doanh đa cấp của các thành viên gia đình Okazaki ngày một mở rộng. Đội quân đa cấp trong mạng lưới của gia đình Okazaki ngày một tăng theo… cấp số nhân, khi họ rất biết tận dụng hình ảnh và thương hiệu của ngôi sao Leicester City để “tuyển quân”.

Một nguồn tin từ Nhật Bản tiết lộ: “Hình ảnh của Okazaki được gia đình anh cùng mạng lưới tận dụng triệt để trong việc lôi kéo thêm các thành viên mới. Các thành viên mới được quảng bá, hứa hẹn nguồn thu nhập ít nhất từ 8 triệu yen (73.000 USD) mỗi năm. Lợi nhuận cao mà chẳng phải làm gì khiến mạng lưới của các thành viên trong gia đình Okazaki không ngừng phát triển”.

Thời còn là một cậu nhóc, Kasami chính là ông anh đã đưa Okazaki đến với bóng đá. Và khi Kasami phát triển thành công “đế chế đa cấp” thì người anh này tiếp tục hướng em trai đến với đa cấp với mặt hàng thực phẩm chức năng, như đã đề cập là được quảng bá tốt cho cầu thủ và các VĐV.

Okazaki đương nhiên nghe theo ông anh trai, bởi kinh doanh đa cấp không mất thời gian. Mặt khác, theo tính toán của Kasami, các loại tiền hoa hồng hàng tháng có thể mang lại cho Okazaki nguồn thu còn lớn hơn lương từ bóng đá.

Okazaki có… lừa đảo?

Được cha mẹ và đặc biệt là ông anh trai Kasami truyền cho thêm cái nghề… đa cấp, Okazaki nhanh chóng thành công với việc gây dựng mạng lưới đa cấp rộng lớn.

Okazaki không ký hợp đồng quảng bá thương hiệu cho tập đoàn hay bất kỳ sản phẩm nào trong số hàng ngàn sản phẩm của tập đoàn sản xuất và kinh doanh đa cấp này. Điều đó có nghĩa, chân sút 29 tuổi của Leicester City cũng giống như cha mẹ và anh trai, đơn thuần là một nhà phần phối của công ty đa cấp.

Tại xứ sở Phù tang, chân sút xuất sắc thứ 3 trong lịch sử của ĐTQG Nhật Bản này là một thần tượng của giới trẻ. Theo King Soccer, từ những cậu nhóc tiểu học muốn trở thành Okazaki cho tới những bậc phụ huynh hâm mộ, tất cả đều xài sản phẩm “chức năng bổ dưỡng” như thần tượng, giúp mạng lưới đa cấp của ngôi sao Leicester này phát triển còn hơn mạng lưới của ông anh trai Kasami. Ngoài ra, cũng bằng các mối quan hệ từ sân cỏ, Okazaki còn xây dựng được mạng lưới đa cấp tại Đức và Anh.

Theo một số nguồn tin từ Nhật Bản, cấp bậc của bà mẹ Tomiyo và ông anh trai Kasami trong hệ thống kinh doanh đa cấp của công ty đa cấp là Executive Diamond – một cấp bậc rất lớn. Tuy nhiên, họ vẫn thua xa Okazaki với cấp bậc, danh hiệu Triple Diamond. Với cấp bậc này trong hệ thống, chân sút người Nhật Bản chỉ xếp sau Crown và Crown Ambassador.

Nhưng Okazaki và mạng lưới của anh có… lừa đảo như một số công ty đa cấp khác? Một nguồn tin tiết lộ với King Soccer: “Okazaki tổ chức mạng lưới kinh doanh đa cấp rất kín kẽ, anh ta chưa bao giờ xuất hiện tại những cuộc hội thảo. Mọi việc đã có những nhân viên dưới quyền hoặc anh trai lo liệu”.

Một người phụ nữ giấu danh tính từng tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp của Okazaki quả quyết: “Một số ít người trở nên giàu có khi họ lôi kéo thành công số đông người khác tiêu thụ sản phẩm. Nhưng phần lớn thất bại, tôi đã thử tham gia và từng bị bạn bè xa lánh, họ cho rằng tôi đã lợi dụng lòng tin của họ”.

Shinji Okazaki được ví như một chiến binh Samurai, âm thầm đóng góp lớn cho Leicester City trên con đường chinh phục Premier League. Nhưng bên ngoài đường biên, Okazaki còn âm thầm… điều hành cả một mạng lưới kinh doanh đa cấp?.

Sao Premier League cũng sập bẫy đa cấp

Các ngôi sao bóng đá lắm tiền nhiều của cũng là một khách hàng tiềm năng của những đối tượng chuyên lừa đảo kiểu đa cấp. Thậm chí cựu cầu thủ Michael McIndoe còn tạo ra một mạng lưới đa cấp lừa đảo và cầu thủ từng khoác áo Coventry này đã lừa được 300 người, chiếm đoạt số tài sản trị giá lên tới 30 triệu bảng (47 triệu USD). Điều đáng nói là, trong số 300 khách hàng bị lừa thì có khoảng 100 người là cầu thủ, cựu cầu thủ nổi tiếng như Gabriel Agbonlahor (Aston Villa), Gareth Barry (Everton), Adam Johnson (Sunderland), Robbie Keane (cựu tiền đạo Tottenham), Jimmy Bullard (cựu tiền vệ Hull)… Một nguồn tin từ Daily Star còn khẳng định, John Terry cũng cả tin đầu tư vào mạng lưới của McIndoe và mất đứt 1 triệu bảng. Tuy nhiên, ngôi sao Chelsea không khai báo với cảnh sát.

Theo điều tra của Sở cảnh sát London (Scotland Yard), McIndoe kêu gọi các nhà đầu tư cả tin rót tiền vào các dự án vàng, chứng khoán và bất động sản. Với lời hứa tiền lãi lên tới 20% và còn nhiều hơn nữa nếu họ tiếp tục giới thiệu được những người khác tham gia vào mạng lưới. Cựu tiền vệ Coventry gọi công việc làm ăn của mình là “dự án kỳ kiệu”. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được từ mạng lưới lừa đảo đa cấp, McIndoe nướng sạch vào cờ bạc và ăn chơi trác táng.