Giảm quá tải
Mục tiêu của kế hoạch nhằm nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện.
Cán bộ y tế xã Dục Tú khám, điều trị cho người bệnh mắc bệnh mãn tính tại cộng đồng theo mô hình “Bác sĩ gia đình. Ảnh: Diệu Linh
Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các địa phương hoàn thiện mô hình phòng khám BSGĐ phù hợp với thực tiễn Việt Nam, Xây dựng hoàn thn thiện được hệ thống các văn bản pháp quy về hoạt động của BSGĐ; Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực Y học gia đình; Nhân rộng mô hình phòng khám BSGĐ theo lộ trình.
Mô hình phòng khám BSGĐ có thể được triển khai tại trạm y tế xã hoặc phòng khám BSGĐ tư nhân; phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Điều kiện triển khai phòng khám BSGĐ là phải có bác sĩ đa khoa được đào tạo tối thiểu 3 tháng về y học gia đình, có cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đúng quy định. Tại các phòng khám tư cần phải có địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt, có nơi đón tiếp bệnh nhân, có buồng khám bệnh, tư vấn sức khỏe diện tích ít nhất là 10 m2.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) từ năm 2013 đến nay, đã có 6 tỉnh triển khai thí điểm Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Cần Thơ) với 240 phòng khám BSGĐ được thành lập.
Từ năm 2013 đến tháng 6.2014, các phòng khám BSGĐ thực hiện được hơn 350.000 lượt khám chữa bệnh, hơn 2.700 ca cấp cứu, 7.000 ca thủ thuật, hơn 11,.500 ca chuyển tuyến, khám tại nhà cho gần 2.400 ca và tư vấn sức khỏe cho gần 10.000 lượt người. Nhiều phòng khám BSGĐ đã sử dụng bệnh án điện tử, phần mềm quản lý phòng khám, tổ chức hội chẩn trực tuyến. Điều này giúp cho việc quản lý hồ sơ của bệnh nhân được tốt hơn, hướng tới mỗi bệnh nhân có 1 “mã vạch”, chỉ cần đánh số là tìm được tiểu sử của bệnh nhân, dù khám ở bất cứ bệnh viện tuyến nào.
Hiểu đúng về BSGĐ
Theo PGS Khuê, hiện nay nhiều người dân vẫn hiểu sai rằng BSGĐ là phải đến tận nhà khám bệnh nên chỉ người giàu mới đăng ký khám BSGĐ. Trong khi đó, nhiệm vụ của BSGĐ là khám sức khỏe ban đầu, chăm sóc toàn diện, liên tục, quản lý hồ sơ bệnh lý… Công việc rất quan trọng của BSGĐ chính là tư vấn, dự phòng bệnh cho người dân, đồng thời hướng dẫn họ đi khám bệnh từ sớm, tránh để bệnh nặng. Nhờ đó, sức khỏe của người dân được đảm bảo hơn.
Trong Kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 vừa được phê duyệt, nhiệm vụ của phòng khám BSGĐ cũng được nêu rõ. Cụ thể, phòng khám BSGĐ được tham gia khám bệnh, chữa bệnh: sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp, thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; có hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn diện liên tục cho cá nhân và gia đình theo quy định của Bộ Y tế;
Tham gia quản lý bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi; giới thiệu chuyển tuyến tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh; Được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh, bao gồm: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường; thực hiện một số thủ thuật: thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch; Tham gia các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ; Phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe; Tư vấn sức khỏe. “Nhiệm vụ của BSGĐ bao quát và rộng hơn nhiều so với quan niệm của nhiều người hiện nay.
Mục tiêu cụ thể năm 2016 sẽ duy trì, phát triển, nhân rộng mô hình phòng khám BSGĐ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình phòng khám BSGĐ. Đến năm 2017, phấn đấu ít nất 20% các tỉnh, thành phố có mô hình phòng khám BSGĐ. Năm 2018 đạt 60%; năm 2020 đạt 80% tỉnh, thành phố có phòng khám BSGĐ. |