“Tôi không hiểu các anh nghiên cứu kiểu gì nữa”
Sáng 28.4, trong phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM - đã có lúc gay gắt truy cấp dưới về nguyên nhân khiến chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2015 của TP giảm.
Ông Phong nói: “Người dân nộp hồ sơ thì mình nên cố gắng xử lý nhanh, được hay không được thì phải trả lời, đừng để kéo dài. Dân người ta sợ nhất là điệp khúc “đang nghiên cứu” không biết bao giờ xong. Người ta tận dụng thời cơ kinh doanh, trong khi đó cứ đợi các anh nghiên cứu và nghiên cứu, không biết nghiên cứu đến lúc nào, khi có được hồ sơ thì cơ hội đã qua”.
Tiếp tục, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu cụ thể: “Hôm trước họp ban chỉ đạo khu đô thị Thủ Thiêm thì hiện có 12.500 căn nhà tái định cư, sau khi giao cho quận 2 quản lý thì còn 6.000 căn, tôi có kết luận thành lập tổ công tác để báo cáo phương án giải quyết. Đến nay gần 1 tháng rồi vẫn chưa thấy, mà Giám đốc Sở Xây dựng làm tổ trưởng tổ này”.
"Chúng ta kéo dài thêm một ngày thì không biết bao nhiêu căn nhà tái định cư bị ảnh hưởng. Tiền này không phải của các đồng chí nên không nôn nóng? Giải quyết rất đơn giản mà cứ điệp khúc nghiên cứu, đang nghiên cứu. Các đồng chí có biết Dự án Thủ Thiêm cứ kéo dài thêm một ngày thì phải trả bao nhiêu tiền không? Tiền đó là tiền của ai? Tiền của dân chứ còn của ai nữa?", ông Phong đặt câu hỏi.
Người đứng đầu UBND TP.HCM tiếp tục: “Ngay cả trong nội bộ với nhau còn như vậy thì thử hỏi với doanh nghiệp, với dân thì như thế nào? Rất buồn các đồng chí ạ, tôi không hiểu các anh nghiên cứu kiểu gì nữa. Tất nhiên giải quyết cần có căn cứ chặt chẽ, tuy nhiên các anh phải vì sự phát triển của TP, cố gắng làm”.
Sau phút nổi nóng này, ông Phong cũng mong muốn những thành viên tham dự cuộc họp thông cảm vì quá nóng ruột với công việc mà đôi khi ông hơi gay gắt.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM - có phút giây nổi nóng khi nghe cấp dưới báo cáo “đang nghiên cứu”.
Đảm bảo lượng gạo dự trữ
Tại cuộc họp, ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết, TP đang dự trữ 64.000 tấn gạo. Với số lượng dự trữ đó, có thể đảm bảo sẽ không xảy ra biến động về giá và sản lượng gạo trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, khô hạn và xâm nhập mặn đang diễn ra.
Ngoài ra, theo ông Kiên sản lượng gạo tỉnh Long An đang dự trữ khoảng 600.000 tấn, nên trong trường hợp cần thiết, Long An sẽ điều phối gạo cho thị trường TP.HCM.
Để ứng phó với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt như hiện nay, Sở Công Thương đã kiến nghị Bộ Công Thương điều tiết giảm sản lượng gạo xuất khẩu để cung ứng cho thị trường nội địa”, người đứng đầu Sở Công Thương TP.HCM cho biết thêm.
Kết thúc buổi làm việc, ông Phong cho rằng trong tháng 5 và những tháng tiếp theo, UBND TP tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dịch vụ, mở rộng thị trường theo hướng tập trung thu hút đầu tư vào các ngành mà TP khuyến khích phát triển. Tập trung thực hiện cải cách hành chính đem lại hiệu quả thực chất nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính được thuận lợi, nhanh chóng, đúng quy định. Nâng cao tinh thần trách nhiệm thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, khẩn trương rà soát, tích cực khắc phục các chỉ số cải cách hành chính còn hạn chế.
Theo báo cáo của Giám đốc Sở KHĐT Sử Ngọc Anh, trong bốn tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM đạt 9,7 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ 2015 giảm 3,4%). Nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt 8,9 tỷ USD, với mức tăng 12,4% so cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu vẫn duy trì mức tăng khá như cà phê tăng 20,5%, gạo tăng gần 59%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 31%… Trong khi đó, lượng hàng hóa nhập khẩu cũng tăng vọt với tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt 11,1 tỷ USD, tăng 13,4% so cùng kỳ. |