Dân Việt

Cốt cách người Sài Gòn dựng nên “Hòn ngọc Viễn Đông”

Trần Đáng (thực hiện) 01/05/2016 06:38 GMT+7
UV Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng cần phải đưa TP.HCM trở thành một Thượng Hải trong tương lai. Vậy, làm thế nào để phát huy cốt cách, văn hóa của người Sài Gòn - một yếu tố từng đưa Sài Gòn trở thành “Hòn ngọc Viễn Đông”, trong tình trạng người nhập cư ồ ạt?

Phóng viên NTNN/Dân Việt trò chuyện với nhà thơ Bùi Chí Vinh -một người Sài Gòn chính gốc.

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nay là TP.HCM, anh đã từng nghiên cứu văn hóa người Sài Gòn và sống đúng chất “người Sài Gòn”, vậy anh có thể cho biết cốt cách người Sài Gòn như thế nào không?

- Tôi biết nhiều ý kiến cho rằng, do Sài Gòn là thành phố trẻ, có nhiều xáo trộn dân cư qua từng thời kỳ nên việc tìm ra cốt cách người Sài Gòn không phải dễ. Tuy nhiên, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên tôi thấy rằng người Sài Gòn có cốt cách, cái “hồn” riêng. Cái này thì vào cuối thế kỷ 19, người Pháp đã ý thức được phong cách của người Sài Gòn là- tự do, phóng khoáng- với việc xây dựng 3 bức tượng tại Tòa án nhân dân thành phố, tượng thần công lý ở giữa một phụ nữ ăn mặc kiểu miền Nam tóc búi tó và người đàn ông với cách ngồi rất thoải mái.

img

Giao thông ở Sài Gòn trước năm 1975 (ảnh tư liệu).

Chính sách quản lý đô thị phù hợp sẽ tạo điều kiện để những người nhập cư trở thành “người Sài Gòn”, khi con người gắn bó với nơi mình làm ăn sinh sống, không chỉ về kinh tế mà còn bằng tình cảm, bằng văn hóa, bằng lối sống, thì sẽ góp phần xây dựng và gìn giữ Sài Gòn. 

Nhà thơ Bùi Chí Vinh

Sài Gòn là thủ phủ Nam Bộ, là đất mới, nơi thay đổi nhiều nhất của cả nước trong vài thế kỷ qua. Cư dân sống ở đây là dân tứ chiếng, nhưng không vì thế mà không định hình được cái hồn của Sài Gòn. Người Sài Gòn thấy việc nghĩa không làm là không phải người trí dũng, thấy người lâm nguy không cứu là không phải anh hùng. Người Sài Gòn rất hào sảng, thẳng như ruột ngựa…

Gần đây, trong một cuộc nghiên cứu “Đóng góp từ thiện tại Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương (Hà Nội) thực hiện cho thấy, tại thời điểm khảo sát, ở Hà Nội có 8% doanh nghiệp tham gia vào một hoạt động từ thiện, trong khi đó ở TP.HCM là 66%. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp ở TP.HCM đóng góp cho hoạt động từ thiện số tiền gấp 8 - 9 lần so với các doanh nghiệp ở Hà Nội. Những con số này có gợi mở cho anh về người Sài Gòn điều gì không?

- Điều này đâu có gì lạ. Người Sài Gòn nổi tiếng là hào hiệp, bởi lịch sử văn hóa dân di cư, người cũ thường giúp người mới đến khi gặp những khó khăn.

Người Sài Gòn có thêm một tính cách đó là “nhanh”, đặc trưng này lợi hại như thế nào?

- Theo tôi, chính cái “nhanh” này đã giúp xây dựng nên một “Hòn ngọc Viễn Đông”, thậm chí là thay đổi tính cách đã ăn sâu trước đó. Rất nhiều người từ các vùng miền đã đến định cư ở Sài Gòn và tiếp nhận tính cách này để thay đổi tính cách trầm mặc, chậm chạp vốn có nhằm tích ứng với sinh hoạt, làm ăn của một thành phố trẻ, năng động.

Nhiều người sống lâu năm ở thành phố này đang cảm thấy quan ngại tình trạng văn hóa người Sài Gòn đang bị xáo trộn trước tình trạng nhập cư ồ ạt. Thậm chí, còn có dư luận cho rằng Sài Gòn đang bị… nông thôn hóa?

- Đúng là việc thu hút và tập trung người nhập cư lớn nhất nước, khiến người dân thành phố bộc lộ những yếu kém trong ý thức giữ gìn luật lệ giao thông, vệ sinh công cộng, đối nhân xử thế… Trước đây, giao thông ở Sài Gòn rất trật tự, người dân đi đứng có văn hóa, con trẻ lễ phép, đi thưa về trình, xếp hàng mua vé coi xi-nê... Bây giờ những thói quen ấy đã mất. Sài Gòn đang bị nông thôn hóa, thậm chí còn thua nhiều địa phương khác về lối sống văn minh. Những hành động như vứt rác ra đường, xì ke ma túy, cướp giật, làm ăn chộp giật rất nhiều.

Thời gian qua, phần lớn số người nhập cư không quen tác phong đô thị. Ví như, người Sài Gòn trước đây rất trân trọng cải lương, xi-nê. Phụ nữ đi xem cải lương, xi-nê ăn mặc rất thanh lịch, trang nhã. Giờ vào xem xi- nê bát nháo lắm, người mua vé chen chúc nhau không có thói quen xếp hàng. Giới xem xi-nê, ca nhạc không còn nhiều người có chiều sâu thẩm định cái hay, cái đẹp của nghệ thuật…Về tham gia giao thông thì còn kinh khủng hơn. Nhiều người bất chấp đèn xanh, đèn đỏ cứ chạy vô tư. Đó là thói quen xấu, không thể chấp nhận một thị dân lại có thói quen này.

 Sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí là vài thế hệ để những người nhập cư hôm nay trở thành thị dân Sài Gòn. Với tâm lý của người nhập cư, muốn an cư lạc nghiệp thì chắc chắn họ sẽ không phá hoại và gây bất an cho Sài Gòn. Nếu họ đến và thành phố thay đổi tốt hơn là điều đáng mừng. Tuy nhiên, thay đổi rồi làm mất đi những dấu tích xưa cũ mang “hồn vía” của Sài Gòn thì tác dụng ngược lại. Ngoài việc cần giữ lại “hồn vía” cũ của một đô thị, một vùng đất, việc xây dựng một không gian sống đô thị hiện đại sẽ làm mất chiều sâu ký ức của nó.

Khi đi qua một con phố với dấu tích cổ xưa, người ta sẽ cảm thấy vững tin hơn, khiêm tốn hơn, bình thản hơn, thấy mình thuộc về một chiều sâu văn hóa… Ngược lại, họ sẽ cảm thấy bơ vơ, kiêu ngạo, hốt hoảng, vong thân và sẽ bị cuốn phăng đi bởi sự bề bộn của đời sống hiện đại. Bảo vệ di sản văn hóa là để con người sống tốt hơn cho hôm nay chứ không chỉ cho một ý niệm nào của quá khứ dù đẹp đến đâu.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những mặt tích cực mà người nhập cư đem đến cho Sài Gòn?

- Đúng là việc nhập cư cũng tạo ra nhiều góc cạnh phong phú. Xưa người Nam Bộ chỉ biết sống “thẳng như ruột ngựa”. Khi người Bắc vào, người Sài Gòn bắt đầu sống có chiều sâu, suy nghĩ trong mọi hành động; khi người Trung vào, người Sài Gòn biết cách tằn tiện hơn. Người Sài Gòn đang hấp thụ tất cả văn hóa vùng miền, để biến Sài Gòn thành đa dạng. Bất kỳ thời kỳ nào, những người mới tới đều mang theo sinh khí mới.

Xưa nay đã chứng minh, Sài Gòn là nơi không dễ chấp nhận cái “không hay” của những người thuộc địa phương khác. Ban đầu phong cách của họ thường hay khó coi với người Sài Gòn, nhưng dần dà “hồn” Sài Gòn sẽ làm cho họ thay đổi.

Văn hóa Sài Gòn từng làm nên một “Hòn ngọc Viễn Đông”, vậy theo anh làm thế nào để xây dựng TP.HCM trở thành thành phố văn minh hiện đại, là “Hòn ngọc Viễn Đông” như xưa?

- Theo tôi, công tác quản lý của thành phố cho thấy nhiều lúng túng. Thành phố thiếu những nhà phân tích đô thị, chưa tận dụng hết chất xám của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu. Vấn đề bảo vệ di sản văn hóa chính là chính sách và thực thi chính sách quản lý đô thị chứ không phải từ việc người nhập cư tăng hay giảm.

Chính sách quản lý đô thị phù hợp sẽ tạo điều kiện để những người nhập cư trở thành “người Sài Gòn”, khi con người gắn bó với nơi mình làm ăn sinh sống, không chỉ về kinh tế mà còn bằng tình cảm, bằng văn hóa, bằng lối sống, thì sẽ góp phần xây dựng và gìn giữ Sài Gòn. Thêm nữa, với TP.HCM, cần một cơ chế đặc biệt để phát triển. Không thể lấy một chính sách chung đổ đồng cho các địa phương.

Xin cảm ơn anh!