Dân Việt

Hội Nghề cá Việt Nam loại trừ nguyên nhân thủy triều đỏ

Thanh Xuân 28/04/2016 17:41 GMT+7
Ngày 28.4, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi lên Văn phòng Chính phủ, Bộ TNMT, Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính về vụ việc cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế thời gian vừa qua.

Văn bản nêu rõ, sự việc cá biển tầng đáy bị chết hàng loạt trôi dạt vào bờ được báo chí đưa tin lần đầu tại biển huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ngày 6.4. Tối 27.4, Bộ TNMT mới thông cáo báo chí, trong đó nêu nguyên nhân cá chết có thể là: Chất độc thiên nhiên hoặc chất độc do con người gây ra; hiện tượng thủy triều đỏ (tảo nở hoa) gây ra. Tiếp theo công văn số 45 ngày 22.4, Hội Nghề cá có ý kiến như sau:

Về xác định nguyên nhân cá chết: Hội Nghề cá Việt Nam đồng tình với nguyên nhân mà Bộ TNMT nêu ra, cá chết có thể là do “chất độc” với những lý do như: Đa số cá chết sống ở tầng đáy. Phát hiện lần đầu ở ven biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Chất độc theo dòng hải lưu chảy từ Bắc xuống Nam tiếp tục gây chết ở Quảng Bình, kế đến là Quảng Trị và phía bắc Thừa Thiên - Huế.

Nguyên nhân thủy triều đỏ (tảo nở hoa) nên được loại trừ bởi vì những biểu hiện đặc trưng của thủy triều đỏ không được ghi nhận trong thực tế, như lượng tảo phát triển nhiều gây đổi màu nước biển, cá tầng mặt chết hàng loạt và xác tảo trôi dạt vào bờ từng mảng lớn gây ô nhiễm, hôi thối…

img

Ảnh minh họa.

Hội Nghề cá cũng cho biết, để tìm nguyên nhân gây ra chất độc, đến nay không có bằng chứng nào (động đất, sóng thần, núi lửa…) để dẫn tới nhận định: Đáy biển sinh ra chất độc làm chết cá tầng đáy. Do vậy giả thiết chất độc do con người gây ra là tương đối có cơ sở. Hội Nghề cá Việt Nam và bà con làm nghề cá mong sớm có câu trả lời.

Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ: Tại vùng biển Kỳ Anh (nơi phát sinh cá chết đầu tiên) có bao nhiêu ống xả thải do các nhà máy tự làm để xả nước thải chưa qua xử lý; kết quả kiểm kê 300 tấn hóa chất được nhập về nhà máy Formusa đã sử dụng bao nhiêu, số đã sử dụng thì vào việc gì và sau khi sử dụng chúng có qua đường ống xả thải ra biển không… Nếu cá chết do chất độc thì chất độc ấy có phải từ nguồn xả thải của nhà máy tại huyện Kỳ Anh không? Nếu kết quả phân tích cho thấy, cá chết không phải do độc tố, các nhà máy ở Kỳ Anh không thải ra chất độc, hoặc có thải ra chất độc nhưng không làm chết cá thì mới truy tìm nguyên nhân theo hướng khác.

Hội Nghề cá cũng cho biết, hiện nay ngư dân đánh cá ven biển không đi đánh cá; người nuôi cá lồng trên biển không dám nuôi; người nuôi tôm, cá nước lợ không dám sử dụng nước biển để nuôi cá, tôm. Tất cả đang chờ đợi câu trả lời từ các cơ quan có trách nhiệm. Một hệ lụy khác là người tiêu dùng do hoang mang nên không sử dụng cá biển, và nếu câu hỏi này không sớm được trả lời thì xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các ngành kinh tế khác như du lịch sẽ bị ảnh hưởng.

Hội Nghề cá Việt Nam cũng kiến nghị, trước khi chưa xác định được nguyên nhân cá chết, Bộ TNMT, Bộ NNPTNT chỉ đạo các tỉnh bố trí lực lượng thu gom cá chết tiêu hủy, không để xảy ra tình trạng người dân tự do gom cá mang đi bán hoặc làm cá khô, mắm cá… Chính phủ chỉ đạo Bộ TNMT và Bộ NNPTNT có biện pháp khẩn trương xác định chính xác nguyên nhân cá chết. Ngoài ra, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề nghị thống kê các hộ nuôi trồng thủy sản ven biển, ngư dân bị thiệt hại do cá chết được hỗ trợ ít nhất 15kg gạo/tháng cho mỗi gia đình trước khi có giải pháp khắc phục sản xuất.