Dân Việt

Chăm lo những “cột mốc” chủ quyền

Nhóm P.V (ghi) 02/05/2016 06:25 GMT+7
Mỗi chuyến vươn khơi bám biển khai thác nguồn lợi thủy sản và khẳng định chủ quyền biển Việt Nam của ngư dân là một câu chuyện có cả niềm vui, nỗi buồn, nụ cười, nước mắt và đôi khi phải trả giá bằng máu và chính mạng sống của mỗi ngư dân. Nhưng, họ hoàn toàn không đơn độc...

img

Cục trưởng Cục nghiệp vụ và Pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam Đại tá Trần Văn Nam:

Sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ ngư dân 24/7

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn có mặt trên các vùng biển để sát cánh cùng bà con ngư dân vươn khơi bám biển, khai thác nguồn lợi hải sản, đồng thời bảo vệ và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Các ngư trường truyền thống tập trung đông bà con ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản hiện nay  gồm Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài ra còn có các vùng biển giáp ranh như  Việt Nam – Malaysia, Việt Nam – Indonesia và vùng biển Việt Nam – Thái Lan.

Biển cả mênh mông, biến động thời tiết thì khôn lường, các quy định pháp luật về biển thì rất nghiêm ngặt nên công việc vươn khơi bám biển của bà con cũng vô cùng gian nan. Tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ, nơi  đã có hiệp định nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc, phân định rất rõ ràng vùng biển hai nước và có vùng đánh bắt chung, không xảy ra tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, chúng tôi tập trung vào công tác tuyên truyền là chính, để ngư dân hai nước hiểu và chấp hành nghiêm pháp luật. Còn, tại các vùng biển nhạy cảm, vùng biển đông ngư dân khai thác, vùng biển giáp ranh với các nước, lực lượng cảnh sát biển thường xuyên có mặt tuần tra 24/7 để kịp thời giảm thiểu tối đa các rủi ro của ngư dân khi vươn khơi bám biển, và sẵn sàng hỗ trợ khi bà con khi cần thiết.

Có thời điểm chúng tôi huy động 30-40 chiếc tàu tuần tra trên biển. Ở các ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa, lực lượng cảnh sát biển luôn sẵn sàng có mặt mỗi khi nhận được tín hiệu liên lạc của bà con qua sóng ngắn để thực hiện chức năng cứu hộ cứu nạn cho bà con. Thời gian qua, lực lượng cảnh sát biển đã tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thành công hàng chục tàu cá, hàng trăm ngư dân bị nạn trên biển. Mới gần đây từ ngày 16-18.4, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn thành công tàu cá QNg 98614 TS và 8 thuyền viên bị nạn đang trôi dạt trên vùng biển Tây Bắc đảo Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Để đảm bảo an toàn cho ngư dân trước khi ra khơi, ngoài công tác chuẩn bị cho tàu thuyền máy móc thật tốt, trang bị đầy đủ thiết bị như cứu sinh, cứu hỏa, máy bơm chống chìm, máy định vị, các phương tiện thông tin liên lạc, nguyên liệu, nhu yếu phẩm,… thì bà con ngư dân rất cần được trang bị kiến thức hiểu biết thông thường như vùng biển Việt Nam đến đâu? Và ta chỉ được phép đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam, không được sang đánh bắt ở vùng biển nước bạn. Đây là đòi hỏi số một, bà con cần phải hiểu và chấp hành nghiêm, bất kể là lý do gì, sang vùng biển nước bạn đánh bắt đều là sai, vi phạm pháp luật.

 Tuy nhiên, vì lý do bất khả kháng, bà con sang vùng biển nước bạn như do tàu hỏng hóc bị trôi dạt, do bão gió thiên tai, thuyền trôi dạt sang vùng biển nước bạn. Ngoài ra, cũng vẫn còn một số bà con do chủ quan tìm luồng cá lớn, giá trị hải sản cao, cố tình sang vùng biển nước bạn. Việc cố tình sang vùng biển nước bạn đánh bắt thì hậu quả rất khôn lường. Pháp luật  Malaysia, Indonesia, Thái Lan quy định xử phạt các tàu cá nước ngoài vi phạm trái phép vùng biển nước họ rất nghiêm, thuyền trưởng thuyền viên vi  phạm có thể bị phạt tù, tàu cá có thể bị phá hủy hoặc đánh chìm, hoặc tịch thu.

Đặc biệt khi vươn khơi bám biển bà con ta không được mang theo vũ khí. Pháp luật Việt Nam quy định công dân Việt Nam khi ra khơi cũng không được mang theo vũ khí, tàng trữ chất nổ; nếu vi phạm thì bị xử phạt rất nặng. Đối với Cảnh sát biển, bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật nhằm trang bị kiến thức để ngư dân tự bảo vệ tài sản và tính mạng của mình, thì lực lượng cảnh sát biển còn phải làm nhiệm vụ giám sát chặt chẽ để giảm thiểu các rủi ro đáng tiếc cho bà con.

Là lực lượng chức năng được Chính phủ giao nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn trên biển, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tự hào là lực lượng được trang bị trang thiết bị hiện đại nhất để kịp thời ứng phó nhanh nhất, hiệu quả nhất giúp bà con vươn khơi bám biển an toàn.

img

Thứ trưởng Bộ NNPTNT  Vũ Văn Tám:

Hỗ trợ tối đa để ngư dân bám biển

Nghị định 67/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bằng Nghị định 89 về phát triển thủy sản-PV) là một chính sách hợp lòng dân, khuyến khích và hỗ trợ ngư dân nói riêng và ngành thủy sản nói chung phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.

Phát triển tàu vỏ thép là một trong những hướng hiện đại hóa nghề cá của ngành thủy sản. Với chính sách lần này, ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới có công suất lớn từ 400 CV trở lên hoặc cải hoán, nâng cấp sẽ được khuyến khích hơn vỏ gỗ. Tàu càng lớn thì được khuyến khích càng nhiều. Tàu làm dịch vụ hậu cần được khuyến khích hơn tàu khai thác.

Chính sách tín dụng ngắn hạn (cho vay lưu động) rất quan trọng. Từ trước tới nay, ngư dân chủ yếu vay nặng lãi qua nậu vựa và sau đó bắt buộc phải bán sản phẩm cho nậu vựa. Nhưng giờ tín dụng ngắn hạn sẽ giúp ngư dân trong từng chuyến biển ra khơi không phụ thuộc vào nậu vựa nữa. Tuy nhiên, để vay được vốn này, vai trò của tổ chức tín dụng và lãnh đạo địa phương cũng rất quan trọng.

Tinh thần của chúng tôi là sẽ hỗ trợ tối đa để giúp ngư dân bám biển an toàn, hiệu quả.

img

Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng:

Giúp ngư dân có tiếng nói  mạnh mẽ

Mặc dù được đánh giá là lĩnh vực mũi nhọn trong ngành nông nghiệp, hàng năm mang về cho đất nước nhiều tỷ đô la, tuy nhiên, đầu tư cho thủy sản vẫn rất nhỏ bé. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2006 - 2010, đầu tư cho thủy sản chỉ chiếm 2,9% trong tổng vốn đầu tư của lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, giai đoạn 2011 - 2014 chiếm khoảng 5% và phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 lên 8,7%, quá nhỏ bé so với giá trị mang lại.

Về khai thác, hiện nay ngư dân khai thác hải sản trên biển ngày một khó khăn, giá cả phí tổn tăng từng ngày trong khi đầu ra bị tư thương ép giá, luôn trong tình cảnh "được mùa mất giá, thậm chí mất mùa mất cả giá". Chưa kể đến rất nhiều rủi ro, cả nhân tai và thiên tai… Người làm nghề cá hiện nay rất cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

Vừa qua, Trung ương MTTQ VN đã có công văn thông báo về việc phân bổ một đại diện của Hội Nghề cá Việt Nam tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Đây là việc hết sức cần thiết, bởi khi đó, người làm nghề cá sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn, sẽ có đại diện để giúp họ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, nhất là hiện nay vấn đề ngư dân đi khai thác trên biển đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy vị trí, vai trò của ngư dân và hội ngành nghề thủy sản ngành càng được quan tâm hơn. Báo NTNN ra mắt chương trình Ngư dân bám biển vào thời điểm này đáp ứng đúng tính thời sự thời cuộc. Hội Nghề cá rất hoan nghênh sáng kiến của Báo NTNN, và cam kết sẽ đồng hành với chương trình để sát cánh cùng khó khăn gian khổ của ngư dân.

img

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học (Phú Yên):

Hỗ trợ nhiều hơn nữa cho ngư dân

 Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn nữa về vốn, khoa học kỹ thuật, các phương tiện đánh bắt xa bờ... để ngư dân có điều kiện bám trụ được trên ngư trường. Có như vậy mới động viên được ngư dân bám biển, làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước. Đặc biệt, theo tôi, những chính sách được ngư dân quan tâm hiện nay là vấn đề vốn. Chính phủ cần có những gói vốn hỗ trợ về thời hạn cho vay dài hoặc mức lãi suất thấp, tạo điều kiện cho ngư dân có điều kiện trang bị tàu thuyền chắc chắn để ra khơi.

Thực ra, vấn đề hỗ trợ ngư dân bám biển không phải đến bây giờ mới được đề cập và trên thực tế nhiều địa phương trên toàn quốc đã triển khai các chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn, tuy nhiên vẫn chưa có những giải pháp mang tính đồng bộ.

Thời gian qua, tổng kinh phí ngân sách nhà nước bố trí thực hiện các chính sách phát triển ngành thủy sản ước khoảng 22.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 2.600 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân mua dầu, đóng mới tàu cá, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên; 5.300 tỷ đồng nâng cấp đê điều, khu neo tránh trú bão… Những con số này được đánh giá là quá ít so với nhu cầu thực tế của ngư dân.