Sau thành công của “Người trở về”, “Đất lành” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, cái tên Đặng Thái Huyền đã được định danh và đang trở thành một “ngôi sao” trong dòng phim chiến tranh và hậu chiến. Những dự định tiếp theo của chị trong năm nay là gì?
- Thú thực là tôi rất vui và hạnh phúc với những gì được các bậc tiền bối, đồng nghiệp, các anh chị báo chí, công chúng ghi nhận. Tuy nhiên, tôi cũng vẫn tự nhắc nhở mình, những thành công mà mình nhận được sau khi “Người trở về” ra mắt, đừng nên lấy đó làm mừng vội. Bởi đó cũng sẽ là áp lực cho bản thân với những dự án phim tiếp theo.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền. ảnh: I.T
Nếu như với “Người trở về” dù đôi chỗ có sạn nhưng mọi người đã dễ dàng bỏ qua, bởi đây là phim đầu tay điện ảnh của tôi, và mỗi khán giả khi ra khỏi rạp đều rất cảm xúc. Thế nhưng với bộ phim điện ảnh tiếp theo của tôi, như phim kinh dị tới đây hay tiếp tục bộ phim về đề tài chiến tranh là “Mùi thuốc súng” thì chắc chắn mọi người sẽ không dễ dàng thông cảm, bỏ qua như “Người trở về”. Năm 2016, tôi đã nhận lời làm tới 6 phim, một phim ra rạp với dòng giải trí theo đề tài kinh dị. Một phim cũng ra rạp nhưng vẫn là đề tài chiến tranh, 2 phim truyền hình và 2 phim làm về vị tướng quân đội.
Chị có thể nói cụ thể hơn về dự án phim về đề tài chiến tranh? Tiếp tục làm về phim chiến tranh chị có sợ sẽ lặp lại chính mình?
- Bộ phim “Mùi thuốc súng” do tôi viết kịch bản chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Tôi biết đến “Mùi thuốc súng” trước cả khi biết đến “Người về bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Và ngay khi đọc truyện, tôi đã bị cuốn hút vào câu chuyện cũng như số phận các nhân vật. Dường như tôi bị ám ảnh bởi số phận của họ, đến mức, không lúc nào tôi ngừng nghĩ về nó. Tôi luôn trăn trở và nghĩ rằng, chắc chắn mình sẽ phải làm về bộ phim này.
"Khi làm về đề tài chiến tranh, tôi vẫn luôn có một thông điệp và đó cũng là mục đích tôi luôn hướng tới trong đề tài này, là nỗi đau, số phận của những người phụ nữ và trẻ em. Họ là những con người yếu ớt và chịu nhiều nỗi đau nhất trong cuộc chiến, cho dù họ không phải là người xông pha chiến trận, hứng mũi tên hòn đạn”. |
Cũng rất nhiều người đã hỏi tôi câu hỏi, tôi có e ngại hay không khi lặp lại chính mình. Tôi khẳng định tôi không e ngại, bởi ngay sau phim “Người trở về” kết thúc chiếu ở rạp, điều khiến tôi cảm thấy mình bị tổn thương và đau đáu lâu nay, đó là vẫn cứ nói phim đề tài chiến tranh mình gây được xúc động, có sự thành công nhất định nhưng lại không bán vé. Điều đó khiến tôi đã quyết tâm phải làm tiếp một bộ phim về đề tài chiến tranh, về thời hậu chiến và sẽ ra rạp bán vé. Có thể nói đây là bộ phim mà tôi sẽ đặt cược cả danh dự, tâm huyết của mình vào đó.
Bộ phim này dự kiến sẽ được bấm máy vào cuối năm 2016. Dù không được nói nhiều về bộ phim, cũng như các diễn viên tham gia trong phim, vì nhà sản xuất cũng muốn gây tò mò cho khán giả.
Chị tin là “Mùi thuốc súng” sẽ không bị khô cứng nặng nề và sẽ cuốn hút người xem hơn “Người trở về” chứ?
- Để phim không quá nặng nề, căng thẳng tôi sẽ có cách đan xen sự hài hước, dí dỏm gây cười để cho câu chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn. Thủ pháp thứ hai tôi dùng để có những đoạn nghỉ, xả sự căng thẳng chính là việc sử dụng những diễn viên gây bất ngờ cho khán giả. Ví dụ tôi sẽ dùng những diễn viên mà ít ai ngờ người đó có thể đảm nhận được vai trong phim hậu chiến, bởi trước đó họ đóng đinh với những vai diễn mang tính giải trí.
Như với diễn viên Lã Thanh Huyền, trong “Người trở về”. Khi tôi quyết định chọn Lã Thanh Huyền, tất cả Ban giám đốc của Điện ảnh Quân đội đã hỏi tôi, có chắc muốn chọn Lã Thanh Huyền không? Nhưng tôi đã tự tin khẳng định, Lã Thanh Huyền sẽ vào vai này và làm được. Và như mọi người thấy, Lã Thanh Huyền đã vượt qua chính mình, cô ấy đã diễn xuất quá tốt trong tất cả các vai diễn của cô ấy từ trước đến nay.
Cảm ơn đạo diễn!