Dân Việt

Hiến kế cho nhà nông ứng phó với hạn, mặn

Huỳnh Xây 29/04/2016 13:00 GMT+7
Tại hội nghị “Bàn giải pháp nâng cao năng lực của nông dân vùng ĐBSCL chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn” do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức tại Bến Tre ngày 28.4, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến sát thực chủ động ứng phó với hạn, mặn khốc liệt.

Ông Lại Xuân Môn – Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN chủ trì hội nghị.

Giải pháp ứng phó…chậm

Trước khi diễn ra hội nghị trên, T.Ư Hội NDVN đã cử nhiều đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá tình hình thiệt hại của ND tại 3 vùng gồm Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL…

img

Do thiếu nước ngọt, người dân huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre phải pha nước ngọt với nước mặn cho bò uống. Ảnh: Huỳnh Xây

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích những nguyên nhân dẫn đến hạn, mặn. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, nước biển dâng và triều cường liên tục gia tăng (thu hẹp không gian chứa nước ở hạ lưu và suy giảm rừng ngập mặn) trong khi mặt đất của vùng liên tục sụt lún. Theo nhiều chuyên gia, mùa mưa 2015, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), lượng mưa thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm; lũ thấp nhất trong 90 năm qua ở ĐBSCL. Có thể xem đây là nguyên nhân cơ bản dẫn tới dòng chảy cạn kiệt vào mùa khô 2016.

Ngoài tác động của BĐKH, ông Nguyễn Văn Chính – Trưởng ban Kinh tế T.Ư Hội NDVN cho biết: “Tình trạng hạn, mặn diễn ra khốc liệt ở ĐBSCL còn do ảnh hưởng của sông Mekong, cụ thể là sự phát triển của các thủy điện ở thượng nguồn, các dự án chuyển nước khiến lượng nước về ĐBSCL ngày càng ít…”.

Về nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại do hạn, mặn, ông Phạm Minh Hùng – Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An khẳng định, phần lớn nhận thức về sản xuất bền vững của người dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành chưa chủ động và nâng cao. Ông Hùng giải thích: “Thực tế, vấn đề BĐKH đã nói và dự báo lâu lắm rồi, nhưng chưa có giải pháp ứng phó quyết liệt nên mới dẫn đến những thiệt hại như ngày nay. Cụ thể, trong Tết Nguyên đán vừa qua,  người dân vẫn lo tết, phương tiện truyền thông cũng không nói, khi mặn tràn vào khiến trở tay không kịp…”.

Nhiều vấn đề được đặt ra

Theo ông Hùng, nhiệm vụ sắp tới là tập trung dự báo và nâng cao nhận thức cho ND về BĐKH. Dự báo phải cụ thể. “Tôi đề nghị Bộ NNPTNT, Bộ TNMT phối hợp Hội ND tăng cường công tác dự báo, tuyên truyền giúp người dân chủ động ứng phó. Mặc dù người dân đã biết, nhận thức được về hạn, mặn nhưng công tác này vẫn cần chủ động  hơn…” – ông Hùng bày tỏ.

Do hạn hán và xâm nhập mặn mặn, ĐBSCL đã bị thiệt hại trên 224.000ha lúa; 6.662ha hoa màu; 55.600ha cây ăn trái; 7.190ha cây công nghiệp và 5.050ha thủy sản. Thống kê sơ bộ cho thấy, tổng thiệt hại do hạn, mặn là 2.280 tỷ đồng.

Theo Hội ND tỉnh Kiên Giang, vừa qua, ND nghe tin nước từ thượng nguồn đổ về nên tranh thủ sạ sớm và đã bị thiệt hại. Vì vậy, tỉnh Kiên Giang kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm sớm thông tin về quy luật vận hành các hồ, đập trên sông Mekong để địa phương thông tin lại với nông dân. Ông Trần Chí Viễn - Chủ tịch Hội ND tỉnh Kiên Giang đề nghị: “Để sử dụng nguồn nước có hiệu quả, chúng ta có thể liên kết các địa phương để hỗ trợ nhau. Chẳng hạn, thời gian qua, An Giang, Kiên Giang phối hợp, chia sẻ tốt nguồn nước chung sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, cần xây dựng các hệ thống cống đập, đê bao sát với tình hình thực tế, không nên đưa ra dự án quá lớn để rồi gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai, kinh phí thiếu…”.

Theo ông Đoàn Văn Đảnh –Chủ tịch Hội ND tỉnh Bến Tre, tỉnh này là 1 trong những địa phương thiệt hại nặng nhất do hạn, mặn. Tỉnh Bến Tre đã đắp được 7 đập ngăn mặn và đã phát huy hiệu quả tốt. Đồng thời, tỉnh cũng tranh thủ nhiều nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để đưa nước sạch đến tận hộ ND. “Tới đây, Hội ND tỉnh sẽ phối hợp nhiều đơn vị có liên quan tuyên truyền đến các địa phương thay đổi lịch thời vụ sản xuất, chuyển đổi những cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu mặn, ứng dụng kỹ thuật tưới tiêu tiết kiệm nước; xây dựng hồ chứa nước ngọt phục vụ dân sinh…”- ông Đoàn Văn Đảnh cho hay.