Đó là phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội nghị Thủ tướng tiếp xúc với doanh nghiệp tại TP.HCM sáng ngày 29.4.
Hội nghị tiếp xúc với doanh nghiệp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Hướng đến 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020
Theo ông Lộc, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật doanh nghiệp, ở nước ta đã có 941.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập. Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lí do khác nhau (chiếm 45,5%).
Một nửa số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể nói ở trên diễn ra chỉ trong giai đoạn 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Trong riêng năm 2015 là 80.000 doanh nghiệp. Quý I/2016 tiếp tục có gần 23.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Cuối năm 2015, 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, hơn một nửa (58%) doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn.
“Bắt đầu từ cuối năm 2014, 2015, môi trường kinh doanh có phần khởi sắc, doanh nghiệp Việt mới đang bắt đầu quá trình hồi phục. Tuy nhiên, đà hồi phục còn đang rất yếu, và xu hướng trì trệ, thiếu đột phá trong sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục. Năng suất và hiệu quả kinh doanh cải thiện không đáng kể, có mặt giảm sút”, ông Lộc cho biết.
Người đứng đầu VCCI cho rằng, 5 năm tới là một giai đoạn đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam - 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII - 5 năm bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng nhất và ngày càng nhiều thách thức cạnh tranh hơn. Doanh nghiệp chính là lực lượng quyết định thành bại của nền kinh tế đất nước trong hội nhập. Và nâng cao nội lực của doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.
Trên cơ sở nhận diện đúng tình hình doanh nghiệp như trên, 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển doanh nghiệp.Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, tôi đề nghị, Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển doanh nghiệp.
“Muốn vậy phải tiếp tục đặt ưu tiên vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn, giảm tối đa chi phí và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp,đổi mới tư duy toàn diện bộ máy hành chính ở Trung ương và địa phương để nhất quán nhận thức đúng và thực hiện đầy đủ tinh thần chính quyền phục vụ dân và doanh nghiệp. Không để lặp lại vụ việc không thể chấp nhận được trong một nhà nước pháp quyền như trường hợp quán cà phê “xin chào” mà đích thân Thủ tướng đã phải ra tay can thiệp. Tất cả hướng đến mục tiêu chung là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hướng tới mục tiêu đất nước ta có được 1,5 – 2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020”, ông Lộc mong muốn.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì chỉ phát ra 500 giấy mời nhưng tại hội trường hiện nay có đến 1000 doanh nghiệp đến dự.
Cải cách hành chính quyết định sự phát triển doanh nghiệp
Theo ông Lộc, cải cách thể chế, cải cách hành chính đóng vai trò là mũi đột phá dẫn đường để vừa bảo đảm an toàn, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Qua đó người đứng đầu VCCI đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình cải cách thể chế và tăng cường kỷ luật thực thi cho cả nhiệm kỳ 5 năm với những mục tiêu, khung thời gian và quy trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các bộ, ban ngành và địa phương theo mô hình nghị quyết 19, (với phạm vi mở rộng ra tất cả các lĩnh vực cải cách thể chế, với yêu cầu cao hơn và trong một số lĩnh vực có thể vượt qua chuẩn tiên tiến của ASEAN, vươn tới chuẩn của các nước TPP hay EV-FTA).
“Cải cách thể chế phải hướng tới mục tiêu: chất lượng thể chế của Việt Nam không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. Trước mắt, phải xếp vào nhóm 4 nước tiên tiến đứng đầu ASEAN như Nghị quyết 19 của Chính phủ và nghị quyết của Quốc hội đã quyết định. Kiên quyết loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp đang cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân, và đang làm tăng rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp”, ông Lộc tiếp tục kiến nghị.
Ngoài ra ông Lộc cũng nêu hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang phải vay ngân hàng với lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,5%/năm. Như vậy, lãi suất thực mà doanh nghiệp của chúng ta đang phải chịu đựng là 7 – 8%/năm, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Ví dụ như lãi suất thực củaPhilippine là 2,2%/năm, lãi suất thực của Malaysia là2,1%/năm).
Bên cạnh đó ông Lộc cũng mong muốn nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp bằng thể chế chứ không ôm việc, bao việc làm thay.