Dân Việt

Những cuộc đào thoát khỏi "địa ngục trần gian" của phu vàng

Tiến Hùng 29/04/2016 10:29 GMT+7
Sở dĩ nói rằng bãi vàng là chốn “địa ngục trần gian” bởi những phu vàng thường xuyên bị đánh đập, làm việc trong môi trường nguy hiểm, ăn uống kham khổ… Trong 2 năm gần đây, những phu vàng liên tiếp băng rừng, vượt hàng chục kilômét để đào thoát.

Vụ việc mới nhất là ngày 28.4, do bị bóc lột lao động, hai phu vàng nhí Mông Thị Khất (16 tuổi) và Lò Thị Xí (15 tuổi, cùng trú bản Phia Khăm 2, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã băng rừng suốt 6 tiếng để tới Công an huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam kêu cứu. Sau khi lấy lời khai Công an tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ tiền xe để đưa 2 em về nhà.

img

Xí và Khất tại cơ quan công an.

Hỏi về lý do đến đây hai em cho hay, bị một người phụ nữ lừa vào trong này đi làm “việc nhẹ lương cao”. Tin lời, cả hai rời quê theo người này vào xã Phước Thành, huyện Phước Sơn tỉnh Quảng Nam từ hai tháng trước. Khi đến nơi, các em bị đưa vào lao động tại một bãi vàng của Công ty TNHH Phước Minh, do ông Ngô Văn Quang làm chủ.

“Tại đây, các em bị buộc lao động kiệt sức, lại thường xuyên bị đánh đập. Không chịu nổi kiểu lao động quá vất vả, vắt kiệt sức ở bãi vàng, chúng em bàn nhau tìm cách trốn thoát. Tranh thủ lúc sơ hở, cắt rừng mà chạy” -  Khất và Xí khai với Công an huyện Nam Giang. Hai em còn tiết lộ, trong bãi vàng còn có hàng chục phu vàng cùng độ tuổi, cũng đang bị lao động khổ sai chưa thể trốn thoát.

Đại tá Nguyễn Giới, Trưởng Công an huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi tiếp nhận hai em, đơn vị đã bàn giao cho Công an tỉnh điều tra. "Về việc hai em khai còn có nhiều lao động trẻ em trong bãi vàng này, chúng tôi đã cử cán bộ phối hợp cùng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội vào đây để kiểm tra. Đến nay vẫn chưa thấy đoàn này trở về báo cáo kết quả, nếu có phát hiện sử dụng lao động trẻ em sẽ xử lý nghiêm".

img

Các huyện miền núi Quảng Nam được xem là thủ phủ vàng của cả nước. Ảnh: Tiến Hùng

Trong khi đó, đại tá Nguyễn Thế Nghiệp, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an tỉnh Quảng Nam), cho hay, qua thông tin trinh sát nắm được, lời khai của hai em này không có cơ sở. “Hai em theo cha theo mẹ vào, năn nỉ họ cho vào làm. Làm việc ở trong rừng trong núi đúng là nặng nhọc thật rồi hai em chán, trốn cha mẹ ra để được về nhà”.

Vốn được xem là thủ phủ vàng của tỉnh Quảng Nam, đây không phải lần đầu tiên các phu vàng bỏ trốn khỏi nơi làm việc. Đầu tháng 4.2014, đoàn phu vàng khoảng 100 thanh thiếu niên quê ở miền tây tỉnh Nghệ An băng rừng, đi bộ suốt gần một ngày để bỏ trốn khỏi bãi vàng cũng của Công ty TNHH Phước Minh. Họ là những phu vàng người dân tộc Khơ Mú, đi bộ hơn 50km để ra thị trấn Khâm Đức. Dọc đường đi, những phu vàng hô lớn “anh em ơi, tự do rồi, đói cùng về thôi…”.

“Lương tháng họ không trả, có người bị nợ lương từ năm ngoái. Bọn em trốn thế này, bảo vệ bắt được đánh có người nằm liệt giường. Làm trong hầm ở độ sâu cả nghìn mét nhưng không có máy thổi ngạt khiến nhiều người bị xỉu. Ăn uống chỉ là cơm thừa canh cặn”, một trong những phu vàng bỏ trốn lúc đó nói.

Hơn một tháng sau cuộc bỏ trốn gây náo loạn huyện Phước Sơn của trăm phu vàng, cho rằng nơi làm việc chính là “địa ngục trần gian”, bốn thiếu niên người dân tộc Khơ Mú quê ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), cũng bỏ trốn khỏi bãi vàng của công ty này. Bốn em gồm Seo Văn Viềng, Cụt Văn May, Cụt Văn Tuột và Cụt Buôn Hương lúc đó chỉ mới 15 - 16 tuổi đã băng rừng, đi bộ suốt 4 ngày đêm mới ra được thị trấn Khâm Đức.

img

Hai em Cụt Văn May và Seo Văn Viềng. Ảnh: Tiến Hùng

Viềng kể, cách đó 3 tháng, em và May được một người môi giới vào bãi vàng xã Phước Thành để làm việc cho Công ty Phước Minh. Cùng chuyến đi đó, còn có hàng chục lao động nhí khác và một số ít đã trốn thoát vì không trụ nổi. “Tụi em làm ngày 11 tiếng, họ kêu trả lương 2,5 triệu đồng/tháng nhưng phải làm đủ 6 tháng mới được nhận tiền. Làm dưới hầm sâu, tụi em ốm liên tục nhưng họ cứ bắt phải dậy đi làm. Bữa cơm hằng ngày chỉ có cá khô”, Viềng tố.

Không chịu được môi trường làm việc quá khắc nghiệt, 2h sáng ngày 18.5.2014, khi cả trại còn đang say ngủ, 4 em cùng nhau tháo chạy khỏi bãi vàng. Đến rạng sáng ngày 22.5.2014, các em mới ra tới thị trấn Khâm Đức. “Tụi em cứ thế mà chạy. Có 2 đêm ngủ lại ở rừng, còn lại đi mãi. Đói quá nên nhổ sắn củ người ta trồng, rồi hái lá cây rừng để ăn cầm hơi. Rồi tiếp tục chạy…”, May nhớ lại. Ra đến thị trấn tá túc ở nhà dân được vài ngày để chờ về quê, nhóm bốn phu vàng này bị người công ty sau đó phát hiện, áp tải đưa về bãi vàng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho hay, huyện không thể thống kê được có bao nhiêu phu vàng đang làm việc tại đây, tuy nhiên phần lớn người Nghệ An. Do việc sử dụng lao động trái phép nên chủ bãi không đăng ký tạm trú, vì vây không biết được con số chính xác. Nhận được phản ánh, nhiều lần các ngành chức năng quyết tâm truy quét, kiểm tra về việc sử dụng lao động trẻ em ở các bãi vàng nhưng không thành công. “Mình chưa vào tới bãi thì họ đã biết rồi. Lúc đó những lao động bất hợp pháp, chưa đủ tuổi sẽ được đem đi giấu. Rất khó để kiểm soát”, ông Hà nói.

img

Khoảng 100 phu vàng người Nghệ An bỏ trốn tháng 4.2014.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Quang, Giám đốc Công ty vàng Phước Minh, lại cho rằng không hề có chuyện phu vàng bị đánh đập. “Năm kia có một lần cấp dưới tôi có đánh đập phu vàng nhưng sau đó tôi quán triệt nên không hề xảy ra nữa. Cuộc sống của phu vàng ở đây rất tốt, chả có gì là bóc lột cả. Nếu tôi làm sai tôi chịu”. Ông Quang còn cho biết thêm, có nhiều công nhân quê ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An, ông không hiểu lý do vì sao các phu vàng lại bỏ trốn. “Nếu ai xin nghỉ tôi đều cho về. Nó cứ thích đi là đi rồi có người rủ rê bỏ qua nơi khác làm. Ngoài ra mình mà làm không vừa ý nó, nó cũng bỏ đi”.

Đối với trường hợp của Khất và Xí, ông Quang cho rằng hai em này “đã 19 hoặc 20 tuổi chứ không có chuyện sinh năm 2.000”.

Từ những cuộc đào thoát khỏi “địa ngục trần gian” của phu vàng Nghệ An cho thấy rằng việc quản lý khai thác, vàng trái phép ở tỉnh này đã trở thành “căn bệnh mãn tính,” để lại không ít tồn tại, bất cập như khai thác gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc dư luận xã hội, tác động xấu đối với cảnh quan du lịch…