Dân Việt

Nguy cơ Triều Tiên sẽ có kho vũ khí hạt nhân cực khủng

Thanh Minh 01/05/2016 16:30 GMT+7
Tạp chí đối ngoại The Diplomat phân tích, trừng phạt vẫn là lựa chọn tốt nhất để ngăn Triều Tiên sản xuất vũ khí hạt nhân.

Nếu thế giới vẫn còn mạnh mẽ và nhất quán về biện pháp trừng phạt, Triều Tiên có thể thực sự đi vào ngõ cụt.

Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên bước vào một giai đoạn mới sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ tư ngày 6.1.2016, tiếp theo là thử nghiệm tên lửa tầm xa lần thứ 6 vào ngày 7.1 và tuyên bố "thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch". Tuyên bố này chưa có bất kỳ sự kiểm chứng nào, nhưng giới phân tích cho rằng, sớm hay muộn, Triều Tiên có bom nhiệt hạch là điều không mấy bất ngờ.

Nếu Bình Nhưỡng tiếp tục duy trì tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân như hiện nay, theo dự đoán, trong vòng 10 năm tới, sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên sẽ đạt ở mức độ “khủng”, với ít nhất 50 quả bom nguyên tử và vô số bệ phóng di động, tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, tên lửa đạn đạo liên lục địa…

Nếu Triều Tiên đạt được điều đó, an ninh của Hàn Quốc sẽ bị đe doạ nghiêm trọng. Nhưng có điều rõ ràng, Bình Nhưỡng tỏ ra quyết liệt và kiên trì theo đuổi chương trình hạt nhân, như cách để củng cố và duy trì chế độ.

img

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố Triều Tiên không từ bỏ hạt nhân.

Để đạt được mục đích này, Bình Nhưỡng đã tập trung vào việc cải tổ của giới tinh hoa cầm quyền trong quân đội và Đảng Lao động và sớm triển khai vũ khí hạt nhân.

Bình Nhưỡng tin rằng vũ khí hạt nhân sẽ mang một "hiệu ứng hào quang" của đất nước, nâng cao uy tín của lãnh đạo tối cao Kim Jong-un. Nhìn từ bên ngoài, Bình Nhưỡng hy vọng vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra "hiệu ứng cân bằng", cho phép Bình Nhưỡng đàm phán với các cường quốc Mỹ trên cơ sở bình đẳng.

Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc sẽ không dễ dàng để yên cho Bình Nhưỡng đạt được mục tiêu hạt nhân. Cả Mỹ, Hàn và cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng khác nhau từ răn đe, đến trả đũa để ngăn chặn chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên.

Hàn Quốc trong một động thái được cho là cứng rắn nhất đã đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế chặn dòng tiền vào Triều Tiên.

Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 2270 về các biện pháp trừng phạt phi quân sự khắc nghiệt chưa từng có đối với một quốc gia cụ thể. Nghị quyết được thông qua theo Chương VII Điều 41 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, có biện pháp trừng phạt khá nghiêm khắc trong các lĩnh vực ngoại thương, xuất nhập khẩu liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ngân hàng, tài chính…

img

Một vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, chính phủ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia và EU, đã thực hiện hoặc đang xem xét biện pháp trừng phạt độc lập.

Cho đến thời điểm hiện tại, tính nhất quán trong các biện pháp trừng phạt có vẻ là cách duy nhất để giải quyết vấn đề hóc búa của hạt nhân Triều Tiên, mối đe doạ ngày càng nguy hiểm đến hòa bình thế giới và ổn định khu vực.

The Diplomat cho rằng, không thể phủ nhận việc đối thoại và đàm phán là quá trình không thể thiếu trong vấn đề giải quyết hạt nhân, tuy nhiên, khó đạt hiệu quả ở phương thức này bởi Triều Tiên thiết sự chân thành khi đối thoại.

Đó cũng là lý do khiến “trừng phạt” là một bước đi cần thiết để tiêu diệt mục tiêu nguy hiểm của chương trình vũ khí hạt nhân và đưa Bình Nhưỡng vào một cuộc đối thoại thực sự.

Về vấn đề này, theo The Diplomat, điều may mắn rằng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng, đồng ý về Nghị quyết 2270, và đã trừng phạt độc lập Bình Nhưỡng 5.4, trong đó cấm nhập khẩu 7 loại khoáng sản thô, bao gồm than đá và quặng sắt, từ Triều Tiên. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất Triều Tiên. Ngay cả Nga, mặc dù có chút quan điểm khác các nước phương Tây về cường độ và nội dung của các biện pháp trừng phạt, Moscow cũng đã đồng ý "thực hiện triệt để" Nghị quyết 2270. Philippines và Mexico đã tịch thu tàu Triều Tiên theo quy định của Nghị quyết.

Nếu các nước lớn tiếp tục hợp tác theo cách này và nếu chính trường Washington không bị xáo trộn sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên có thể sẽ bước vào một giai đoạn mới của "cuộc đối thoại thực sự."