Dân Việt

Ai sẽ được hưởng lợi từ “lòng tốt” của ngân hàng?

Trần Giang 03/05/2016 08:50 GMT+7
Có thể nhiều ngân hàng sẽ không thể tham gia đợt giảm lãi suất lần này vì điều kiện và năng lực không thể. Nền kinh tế sẽ không có lợi nhiều, mà chỉ một vài đối tượng tiếp cận được nguồn vốn rẻ này.

Câu chuyện lãi suất cho vay cao khiến doanh nghiệp và nền kinh tế lâm vào khốn khó chưa bao giờ hết nóng. Vấn đề này lại nóng lên tại Hội nghị Thủ tưởng với doanh nghiệp năm 2016 vừa diễn ra mới đây.

img

Tại hội nghị này, tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết các ngân hàng đã có sự đồng thuận về việc sẽ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,3 – 0,5%/năm và lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống dưới 10%/năm.

Theo đó, nhiều ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, TPBank… cũng đã phát đi thông tin bắt đầu giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Giảm lãi suất…không chỉ hô hào là được?

Theo một chuyên gia tài chính, câu chuyện giảm lãi suất không chỉ đơn giản cứ hô hào là được mà cần phải có giải pháp. Để ngân hàng giảm được lãi suất thực, cần phải nói đến điều kiện của hệ thống ngân hàng nói chung và từng ngân hàng nói riêng. Trong đó, chi phí đầu tiên cần phải nhắc đến đó là lãi suất huy động. Chi phí vốn đầu vào phải giảm thì ngân hàng mới có cơ sở giảm lãi suất cho vay.

“Tuy nhiên, từ cuối năm 2015 đến nay, hệ thống ngân hàng đã tham gia cuộc đua lãi suất huy động, thậm chí có ngân hàng còn “đi đêm” lãi suất và tạo thành mặt bằng lãi suất huy động mới. Vậy điều kiện nào để ngân hàng có thể giảm được lãi suất cho vay?”, vị chuyên gia này băn khoăn.

Để giảm lãi suất, một vấn đề nữa cần phải nhắc tới, đó là lợi nhuận của hệ thống ngân hàng phải tốt. Tuy nhiên, câu chuyện lợi nhuận của hệ thống ngân hàng lại có quá nhiều vấn đề, mà mới đây, một vấn đề đang được bàn nhiều, đó là vấn đề lãi dự thu.

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho biết báo cáo tài chính của ngân hàng mặc dù ghi nhận khoản lãi trên số tiền cho vay nhưng thực tế chưa nhận được "tiền tươi thóc thật". Các ngân hàng vẫn đang phải chịu áp lực trang trải lãi tiền gửi cho người dân. Thế nên, trong con số thu nhập lãi thuần mà nhiều ngân hàng công bố có một phần "ảo" trong đó.

“Một số ngân hàng hiện nay đang phải liên tục huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ vì lãi dự thu chưa thu được, ngân hàng chưa có tiền. Như vậy, lợi nhuận của ngân hàng chính là được ghi nhận từ nghiệp vụ mang tính kỹ thuật này”, ông Thành cho biết thêm.

Với những nguồn thu vẫn trên sổ sách, hay gọi là lãi ảo, thì các ngân hàng lấy đâu ra năng lực tài chính để giảm lãi suất?

Ai hưởng lợi từ đợt giảm lãi suất này?

Vậy ai được hưởng lợi từ đợt giảm lãi suất dựa vào “lòng tốt” của hệ thống ngân hàng? Trên thực tế, để đảm bảo an toàn hoạt động của mình, các ngân hàng sẽ cho vay với những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp được đánh giá là tốt. Những doanh nghiệp này từ trước tới nay vẫn thường xuyên được hưởng lợi vì được vay với lãi suất thấp do các ngân hàng phải cạnh tranh nhau cho vay.

Vậy, đối tượng cần được kích thích phát triển, mở rộng nhất là DNNVV có thể sẽ không được hưởng lợi từ lần giảm lãi suất này.Thực tế, DNNVV luôn là đối tượng rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng do không có tài sản thế chấp, nếu tiếp cận được thì lãi suất cũng cao hơn so với nhóm doanh nghiệp khác, đặc biệt là lãi suất trung và dài hạn.

Theo T.S Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nếu chưa xử lý nợ xấu dứt điểm thì đừng mong giảm lãi suất cho vay. “Ngân hàng gánh chi phí nợ xấu khiến họ không thể giảm lãi suất và kết quả là doanh nghiệp phải chịu lãi suất cao trong khi lạm phát của nền kinh tế rất thấp”.

Để giảm được lãi suất cần phải xử lý được nợ xấu. Nhưng xử lý nợ xấu bằng cách nào thì vẫn đang loay hoay. VAMC thì cho biết họ được mua bán nợ xấu với giá thị trường, nhưng đến nay, bao nhiêu nợ xấu công ty này mua về đã được xử lý?

Với thị trường bất động sản đang ảm đạm như hiện nay, rõ ràng, việc mua bán nợ xấu theo giá thị trường của VAMC có thể khiến cho nhiều ngân hàng bị thua lỗ, thậm chí có ngân hàng còn bị đổ vỡ, phá sản. Vì vậy, để giải quyết được nợ xấu thì phải kích thích được thị trường bất động sản. Bài toán này cần phải có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan bộ ngành có liên quan.

Để giảm lãi suất theo hướng cả nền kinh tế được hưởng lợi, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nhận định là khó, chỉ hy vọng đừng để tăng.

“Vì chừng nào thị trường tài chính đồng bộ (tức là thị trường tiền tệ thông qua NHTM và thị trường chứng khoán, vốn) phát triển hài hòa, hai chân thì lúc đó giảm áp lực trung hạn, dài hạn thì lãi suất mới giảm. Hiện nay ngân hàng vừa lo lãi suất ngắn hạn, trung hạn dài hạn, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ nên rất khó khăn”, ông Lịch phân tích.