Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo với 7 anh chị em. Năm 1965, khi vừa tròn 17 tuổi, chàng trai Nguyễn Hồng Hà xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế Tiểu đoàn Độc lập 923 và tiến thẳng sang Lào.
Tháng 2.1966, trong một trận chiến, ông bị thương ở tay. Tháng 8. 1975, ông được xuất ngũ về địa phương. Trên đường về, ông bị mất hết giấy tờ. Trở về quê, ông không được hưởng bất cứ chế độ chính sách nào, bởi không có giấy tờ.
Ông Nguyễn Hồng Hà (trái) kể lại chuyện tìm mộ liệt sĩ qua bản đồ. |
Nhưng, điều làm ông Hà day dứt nhất là: "Nhiều đêm nghe thấy tiếng đồng đội về báo mộng, bảo rằng mộ mình đang nằm bên gốc xoài, gốc sung... nhưng sức khoẻ yếu, không đi được để tìm bạn về, tôi cảm thấy như mình đang mắc nợ với đồng đội".
Mừng thay, trong một lần đến nhà người bạn chơi, đúng lúc anh bạn đang xem cuốn băng về hành trình đi tìm mộ liệt sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, ông thoáng nhận ra những địa danh mà cuốn băng ghi lại. Kể từ ấy, không còn lý do gì có thể ngăn cản sự quyết tâm tìm mộ đồng đội trong ông nữa.
Năm 2003, ông Hà mang những tấm bản đồ do mình vẽ lên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa và Đội quy tập mộ liệt sĩ ở chiến trường Lào, trình bày nguyện vọng, muốn cung cấp thêm thông tin về mộ đồng đội mà ông biết.
Những tấm bản đồ vẽ trong trí nhớ nhưng rất bài bản, chi tiết của ông bỗng trở thành "cẩm nang" quan trọng của đội quy tập hài cốt liệt sĩ. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình chưa tìm thấy mộ con em mình đã gọi điện nhờ ông Hà hướng dẫn qua điện thoại: "Dù chưa biết họ là ai, chỉ cần họ đọc tên, năm sinh, ngày nhập ngũ và đóng quân ở Lào và nói rõ họ đang ở vị trí nào, thì tôi sẽ hướng dẫn cụ thể bằng điện thoại cho họ đến vị trí khu mộ cần tìm".
Với cách làm như vậy, từ năm 2003 đến nay, ông Nguyễn Hồng Hà đã cung cấp cho Đội quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa, và các gia đình liệt sĩ trong và ngoài tỉnh đưa hàng trăm bộ hài cốt liệt sĩ về với quê cha đất tổ.
Hồng Đức - Thùy Liên