Hiện nay, tổng dư nợ cho vay của Agribank tại 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) là 27.666 tỷ đồng, trong đó có 6.850 khách hàng với dư nợ gần 850 tỷ đồng bị thiệt hại và có ảnh hưởng do hiện tượng thủy, hải sản chết hàng loạt. Để kịp thời chia sẻ khó khăn với khách hàng các địa phương nêu trên, Hội đồng Thành viên Agribank đã quyết định một số chính sách hỗ trợ, cụ thể như sau:
Đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp (có thủy, hải sản chết), Agribank thực hiện miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ bị thiệt hại; đồng thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.
Đối với khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp (nuôi trồng, đánh bắt, thu mua, bảo quản, tạm trữ và dịch vụ liên quan khác…), Agribank miễn 01 tháng lãi tiền vay của dư nợ bị ảnh hưởng; đồng thời dừng thu lãi 03 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng; Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.
Trường hợp ngưng trệ sản xuất kéo dài, Agribank sẽ xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ.
Agribank thực hiện ưu tiên về vốn, lãi suất đối với khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh mới, cụ thể: Lãi suất cho vay ngắn hạn: 6%/năm; Lãi suất cho vay trung, dài hạn: 8%/năm. Agribank dự kiến dành nguồn vốn 500 tỷ đồng cho chương trình này với thời gian triển khai trong 03 tháng kể từ ngày 04.5.2016.
Bên cạnh đó, Agribank quyết định ủng hộ 20 tỷ đồng và 100 tấn gạo để góp phần chia sẻ khó khăn của nhân dân 4 địa phương bị thiệt hại gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, mỗi tỉnh 05 tỷ đồng và 25 tấn gạo.
Với một loạt các chính sách hỗ trợ nêu trên, Agribank mong muốn cùng Chính phủ, ngành Ngân hàng kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng người dân, giúp khách hàng sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.