Viêm họng, buốt đầu vì ăn kem lạnh
Mới chớm hè, chị Trần Thị Nguyệt (ở đường Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải lo điều trị viêm họng cho cô con gái 6 tuổi. Theo lời chị, cô bé rất thích ăn kem, nhất là các loại kem nhiều màu sắc nhưng chị đã hạn chế ăn tối đa cho con ăn món này vì biết chúng có thể gây hại cho sức khỏe. Thế nhưng, khoảng ba hôm nay, chị thấy bé ho rất nhiều, mỗi lần ho cứ như "rũ ruột" khiến mẹ xót xa. Bé luôn kêu đau trong họng, giọng nói thì khản đặc hẳn đi. Hỏi ra mới vỡ lẽ, chồng chị vì quá chiều nên đã giấu vợ cho con ăn kem mỗi khi đón bé từ trường về. Lần thì 1 que, lần thì 2 đến 3 que cho thỏa nỗi thèm của bé.
Các chuyên gia khuyến cáo, chỉ nên cho trẻ ăn không quá 1 que kem mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe. Ảnh minh họa
Thêm nữa, ăn kem có thể ảnh hưởng xấu đến răng, như gây sâu, sún răng ở trẻ nhỏ. Còn theo BS Đặng Văn Quế (nguyên bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức), việc ăn kem quá nhiều, quá nhanh hay ăn không đúng cách sẽ dẫn đến đau đầu. Có thể chỉ là cơn đau thoáng qua, nhưng cũng có thể là đau nặng.
BS Đặng Văn Quế phân tích: Kem, nước đá, thực phẩm ướp lạnh khi qua vòm họng quá nhanh sẽ kích thích mạnh niêm mạc và các cơ quan cảm giác khiến chúng bị co lại. Sau đó, mạch máu vùng não lại giãn phồng ra hơn bình thường, gần như bị tăng áp lực vỏ não gây đau đầu như bị giật và tạo nên chứng đau đầu với cảm giác nhói đau, nhức buốt ở đầu hay thậm chí là buồn nôn.
Trẻ nhỏ không nên ăn quá 1 que kem/ngày
BS Nguyễn Bích Ngọc cho biết thêm, ăn kem chỉ có tác dụng giải nhiệt tức thời, bởi các thành phần trong kem như: Sữa, đường, các loại phẩm màu, hương liệu… không có tác dụng để giải khát mà chúng làm mát tức thời do được để lạnh. Ngược lại, chúng còn khiến cơ thể cảm giác nóng bức hơn vì lượng đường lớn trong các que kem. Theo nghiên cứu, đường chính là nguyên nhân làm tăng thân nhiệt, gây cảm giác nóng trong người. Các loại kem càng ngọt, càng ít thành phần dinh dưỡng càng dễ gây nóng.
Bên cạnh đó, bố mẹ không nên cho con ăn kem nhiều màu sắc hoặc kem được bán tại các hàng rong ven đường bởi lẽ, nguyên liệu và quy trình sản xuất kem có thể không đảm bảo vệ sinh. Hơn nữa, những hàng kem này rất có nguy cơ dính bụi bẩn và các nguồn ô nhiễm trong không khí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn an toàn vệ sinh thực phẩm khi cho trẻ ăn.
BS Nguyễn Bích Ngọc khuyến cáo, những người bị bệnh liên quan đến dạ dày, người có thể trạng yếu, chức năng tiêu hóa kém, người mỡ máu cao, tiểu đường… không nên ăn kem. Đặc biệt, trẻ dưới 1 tuổi tuyệt đối không được ăn kem vì lúc này hệ miễn dịch của bé còn yếu, một miếng kem lạnh cũng có thể khiến bé bị viêm họng. Ngoài ra, kem có thể dính vào lưỡi và tan chảy lâu bên trong miệng sẽ khiến trẻ rất khó chịu, dễ trớ. Chỉ nên cho trẻ ăn kem khi tròn 4 tuổi và nên ăn không quá 1 que kem hoặc tương đương 100 -150g kem mỗi ngày.
Các chuyên gia tư vấn, khi cho bé ăn kem, các bậc phụ huynh nên cho bé ăn chậm, không ăn nhanh, hấp tấp, hạn chế việc các dây thần kinh bị kích thích đột ngột, gây đau đầu. Ngoài ra, đối với các đồ ăn, nước uống lạnh, tốt nhất nên sử dụng sau 1 giờ khi ăn cơm no. Nên ngậm đồ lạnh 5 giây trong miệng rồi mới nuốt để làm giảm bớt độ lạnh khi đi qua vòm họng. Đối với sữa chua và các đồ ăn, yêu cầu phải bảo quản lạnh, sau khi lấy khỏi tủ lạnh, nên có thời gian để chúng “nguội” rồi mới thưởng thức. Ăn lạnh, uống lạnh sẽ khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống. Vì vậy, sau khi thưởng thức xong, chúng ta nên uống nước ấm trước, sau đó uống trà gừng để bảo vệ cơ thể.
Bên cạnh đó, không nên ăn kem ngay khi vừa đi nắng về, vì dễ gây sốc nhiệt. Tốt nhất, nên vào chỗ mát để cơ thể giảm nhiệt rồi mới ăn. Hạn chế ăn đồ nóng ngay sau khi vừa ăn kem vì dễ ảnh hưởng tới lưỡi, răng và khoang miệng. Đồng thời nên lựa chọn những thực phẩm lạnh, đồ uống lạnh uy tín để tránh mắc bệnh do các vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa hoặc chất phụ gia kém chất lượng.
Suýt mất mạng vì ăn 3 que kem liền một lúc Theo tin trên trang Sina Health (Trung Quốc), mới đây, một cậu bé tên Nhạc Nhạc (7 tuổi ở Phụ Dương, An Huy, Trung Quốc) đã phải nhập viện trong tình trạng cơ thể tím tái, liên tục nôn ra máu, sau đó bị hôn mê sâu. Theo lời kể của mẹ Nhạc Nhạc, trước đó, vì quá nóng và khát nước, cậu bé này đã ăn liền một lúc 3 que kem lạnh, sau đó bị các triệu chứng như trên. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành truyền máu khẩn cấp và phẫu thuật cho Nhạc Nhạc. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện một vết loét lớn có đường kính 1cm, độ sâu 0,4cm trong tá tràng. Chính vết loét này khiến động mạch tá trạng bị vỡ, gây ra tình trạng xuất huyết liên tục và ồ ạt. Các bác sĩ cho hay, cậu bé phải truyền 8000ml máu mới giữ được mạng sống và việc cứu sống cậu bé này là một kỳ tích. |