Dân Việt

Thêm việc làm, nuôi con đi học

27/07/2011 15:55 GMT+7
(Dân Việt) - Thiếu vốn sản xuất, phải nuôi 2-3 con ăn học là gánh nặng của nhiều gia đình ở huyện Mỹ Lộc (Nam Định). Gánh nặng ấy đã vơi bớt từ khi các hộ này được Ngân hàng CSXH cho vay vốn.

Niềm vui càng nhân lên khi hàng trăm em ra trường, có việc làm, có tiền trả nợ ngân hàng…

Thêm việc làm

Mặc dù là "cửa ngõ" thành phố, nhưng Mỹ Lộc vẫn là một trong những huyện nghèo của Nam Định, bởi làm nông thì ít đất, công nghiệp thì nhỏ lẻ. Nhiều người đã bỏ làng đi làm ăn xa.

img
Ngoài giờ lên lớp, Đặng Thị Hằng đi dạy thêm tiếng Anh để dành tiền trả ngân hàng.

Gần đây khu công nghiệp Mỹ Lộc được đầu tư và đi vào hoạt động đã giải quyết một phần công ăn việc làm cho người dân, nhưng lao động dư thừa vẫn còn khá lớn. Bà Trần Thị Hảo - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Lộc cho biết: "Nhờ được vay vốn ưu đãi các làng nghề may, dệt, bông… đã được khôi phục, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động".

Gia đình bà Trần Thị Thảo, ở thôn Sắc, xã Mỹ Thắng có nghề dệt bông gần chục năm nay, nhưng thiếu vốn mua máy móc. Năm 2008, bà được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 100 triệu đồng. Bà vay thêm các nguồn khác mua một máy dệt hiện đại. "Hiện cơ sở của tôi có 8 công nhân, thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/tháng và khoảng 10 lao động thời vụ. Mỗi tháng tôi xuất khoảng 25 tấn bông, trừ chi phí lãi từ 250-300 triệu đồng/năm" - bà Thảo cho biết.

Anh Trần Quang Nguyên, xóm Nội, xã Mỹ Thắng cũng vay 100 triệu đồng để đầu tư vào nghề may mặc. Hiện cơ sở của anh đang thu hút gần hơn 20 lao động, với thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Ngọc Trung - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng cho biết: "Xã hiện có 230 cơ sở may mặc, bật bông, dệt… giải quyết việc làm cho khoảng 2.200 lao động, nhờ đó mà số hộ nghèo của xã chỉ còn 5,3%".

Có tiền đi học

Tính đến 1.7.2011, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Lộc là 172 tỷ đồng. Trong đó vốn giải quyết việc làm là 2 tỷ 297 triệu đồng, cho 122 đối tượng vay; vốn vay HSSV là 24 tỷ 840 triệu đồng, với 1.505 đối tượng vay. 100 em đã trả hết nợ.

Bà Hảo cho biết, chương trình vay vốn HSSV tuy tổng dư nợ không cao, nhưng đã kịp thời tạo điều kiện cho HSSV học tập. Nhiều hộ đã trả được 80% nợ gốc.

Ông Trần Sỹ Lượng, thôn 8 (xã Mỹ Thắng) có 3 con học đại học. Ông phải bán lợn, gà, đi vay anh em, nhưng chỉ vài tháng là vòng quay tắc nghẽn. "Vốn cho vay HSSV đã "cứu" gia đình tôi. Chuyện học hành của các con không lo "đứt gánh giữa đường nữa" - ông Lượng tâm sự.

Hai cô con gái của ông là Trần Thị Hương và Trần Sỹ Mạnh vừa ra trường đã xin được việc làm. "Em vừa đi làm, lương tạm ổn, năm sau mới đến kỳ trả nợ gốc, lúc đó chắc em cũng tích đủ tiền trả nợ" - Hương chia sẻ.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Tín ở tổ 1, thị trấn Bình Mỹ làm 7 sào lúa, nuôi 4 lợn nái và 12 lợn thịt/lứa nhưng vẫn không đủ cấp "lương tháng" cho 2 con học ở Hà Nội. "Năm 2006, cả 2 con tôi được vay vốn HSSV, các cháu yên tâm học hành" - bà Tín tâm sự.

Con gái bà Tín, em Đặng Thị Hằng học Trường CĐSP Nam Định tốt nghiệp năm 2009, hiện là giáo viên Trường THCS Mỹ Lộc. Hôm chúng tôi đến, Hằng đang dạy thêm tiếng Anh cho học trò tại nhà. Hằng khoe: "Em vừa được vào biên chế. Riêng em vay Ngân hàng CSXH tổng cộng 16 triệu đồng, em vừa trả 12 triệu đồng, chắc 2 tháng lương nữa là trả hết nợ gốc".