Bà Nishi cùng gia đình trước khi "tốt nghiệp hôn nhân"
Khi 3 người con trai của bà Yuriko Nishi đến tuổi trưởng thành và rời khỏi nhà, bà hỏi người chồng đã sống với bà 36 năm một câu hỏi kì lạ: “Có ước mơ nào mà ông chưa làm được vì kết hôn với tôi không?”
Bà Nishi 66 tuổi nói với CNN: “Chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về những con đường mà chúng tôi chưa bao giờ thử. Chúng tôi nói với con cái của mình đây là một cơ hội tốt để phát triển gia đình.”
Như nhiều gia đình khác ở Nhật Bản, cặp vợ chồng đã quyết định “tốt nghiệp hôn nhân”, hay còn gọi là “sotsukon”. Đây không phải li dị. Sotsukon dành cho những cặp đôi vẫn yêu nhau nhưng quyết định sống xa nhau trong những năm cuối đời để thực hiện ước mơ của từng người. Trong một đất nước với dân số già, xu hướng này đang bắt đầu trở nên phổ biến.
Sotsukon dành cho những cặp đôi vẫn yêu nhau nhưng quyết định sống xa nhau để thực hiện ước mơ
Chồng của bà Nishi, ông Yoshihide Ito, 63 tuổi, sau hàng chục năm làm quay phim ở Tokyo, muốn rời xa thành phố về quê trồng lúa. Còn bà Nishi muốn tiếp tục làm trong lĩnh vực thời trang ở Tokyo. “Ông ấy đến thăm tôi mỗi tháng một lần. Tôi cũng về thăm ông ấy hàng tuần”, bà Nishi cho biết.
Bà nói thêm rằng khoảng cách đã giúp cặp đôi nhớ và trân trọng nhau hơn. Giờ họ còn lên kế hoạch hẹn hò trong những ngày họ gặp nhau. “Hôn nhân của chúng tôi đang rất tốt mặc dù chúng tôi có phong cách sống khác nhau.”
Cụm từ “sotsukon” xuất phát từ cuốn sách “Sotsukon no Susume” (Đề xuất tốt nghiệp hôn nhân) của nhà văn Yumiko Sugiyama năm 2004. Cụm từ là sự kết hợp của sotsugo (tốt nghiệp) và kekkon (hôn nhân).
Nhà văn Yumiko Sugiyama, người đã sáng tạo ra cụm từ sotsukon
Chỉ có một triệu em bé được sinh ra ở Nhật Bản vào năm 2014, theo một báo cáo của chính phủ. Đây là con số thấp nhất từ trước đến nay ở đất nước này. Hơn nữa, phụ nữ Nhật Bản có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới: 86,83 tuổi, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.
“Điều này có nghĩa là giai đoạn dài nhất của cuộc đời người phụ nữ là sau khi con cái của họ trưởng thành và ra đi lập nghiệp”, Masako Ishii-Kuntz, giáo sư xã hội học tại Đại học Ochanomizu ở Tokyo cho biết. "Nhiều người vợ không còn việc gì để làm ngoài chăm sóc chồng. Họ nhận ra nên theo đuổi sở thích và hạnh phúc của riêng mình."
Phụ nữ thường là người đề nghị "tốt nghiệp hôn nhân" trước
Vào một buổi tối tháng 4, Kazumi Yamamoto tổ chức một buổi hội thảo Sotsukon cùng nhóm phụ nữ 30-60 tuổi. Cô đưa ra các lời khuyên cho các bà vợ thuyết phục chồng đồng ý “tốt nghiệp hôn nhân”.
Yamamoto, người vừa “tốt nghiệp hôn nhân” một năm trước, đã rời Hiroshima và mở tiệm làm đẹp ở Tokyo, ước mơ cả cuộc đời của cô. Cô nói rằng phụ nữ thường là người đề nghị sotsukon.
Ở buổi hội thảo, Yamamoto được nghe rất nhiều lý do tại sao phụ nữ muốn “tốt nghiệp hôn nhân”.
"Tôi và chồng không có nhiều điều để nói với nhau. Ông luôn nghĩ rằng tôi là người giúp việc của ông", một người phụ nữ 56 tuổi nói. "Nhưng tôi không muốn ly hôn, tôi có thể sẽ cảm thấy cô đơn khi ốm yếu."
"Chồng tôi muốn về quê để chăm sóc cha mẹ, nhưng tôi không muốn," người phụ nữ khác nói. "Tôi muốn đi du lịch và dành nhiều thời gian với bạn bè."