Hãng tin Yonhap dẫn nguồn trang ‘38 North’ chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, phân tích bức ảnh chụp ngày 29.4 tại xưởng đóng tàu Shinpo của Triều Tiên, chỉ sáu ngày sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa phóng từ tàu ngầm(SLBM).
Ảnh chụp ngày 29.4 tại xưởng đóng tàu Shinpo của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap
Trong bức ảnh đó, một tàu lặn phục vụ thử nghiệm tên lửa đã được rời khỏi vị trí mọi khi.
“Sự di chuyển về mặt vị trí này cho thấy chương trình SLBM có thể chuyển sang giai đoạn phát triển tân tiến hơn, vì lúc này không còn cần tới tàu lặn nữa. Kết luận này có vẻ như được củng cố bởi vụ phóng thử tên lửa gần đây được tiến hành từ một tàu ngầm, chứ không phải từ một tàu lặn” – trang ’38 North’ cho biết.
Triều Tiên đăng ảnh vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Trang này mô tả vụ phóng tên lửa SLBM của Triều Tiên gần đây là ‘thành công’.
“Mặc dù chương trình SLBM của Triều Tiên đang có tiến bộ, nhưng những hoạt động này không nằm ngoài các ước tính trước đó, rằng các tên lửa SLBM đầu tiên của Triều Tiên sẽ khó lòng tác chiến trước năm 2020” – trang 38 North nhận định.
Triều Tiên nỗ lực tìm cách thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa đạn đạo.
Phương Tây thừa nhận các bước tiến mới của Triều Tiên trong phát triển vũ khí ngay trước thềm một sự kiện trọng đại của nước này, đó là Đại hội Đảng Lao động tổ chức lần đầu sau hơn 30 năm, vào ngày 6/5 tới đây.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đứng trước một vật thể hình cầu, được cho là đầu đạn hạt nhân được thu nhỏ.
Liên tục trong thời gian qua, Triều Tiên tìm cách chứng thực tiềm lực hạt nhân của mình, khi tuyên bố đã có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa.
Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom H), nhưng các chuyên gia nước ngoài cho rằng, đây là một vụ thử bom hạt nhân.
Ngày 6/1, Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch (nhưng các nhà quan sát nước ngoài cho rằng vụ thử hạt nhân này không phải là bom nhiệt hạch).
Tên lửa Musudan lần đầu được thử nghiệm, nhưng không thành công.
Cùng với đó, những vụ thử tên lửa tầm xa và tầm trung (lần đầu tiên phóng tên lửa Musudan) cũng được tiến hành dồn dập. Trong số các vụ phóng thử nghiệm này, các nhà quan sát phương Tây và Hàn Quốc cho rằng có nhiều vụ phóng không thành công.
Triều Tiên sử dụng nhiên liệu lỏng cho hầu hết các tên lửa đạn đạo nhằm tấn công các mục tiêu như Hàn Quốc và căn cứ của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hình ảnh cắt ra từ chương trình truyền hình của Truyền hình Trung ương Triều Tiên, cho thấy một tên lửa rời bệ phóng ở Dongchang-ri hôm 7.2.2016. Ảnh: Jiji
Tháng 2.2016, Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa, đưa vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất. Tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng. Nếu chuyển thành vũ khí, tên lửa này về lý thuyết có thể tiếp cận lục địa Mỹ.
Tháng 3.2016, Triều Tiên tuyên bố họ phóng thử nghiệm thành công tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn. Nếu Triều Tiên làm chủ công nghệ này, đây là một bước tiến quan trọng có thể thúc đẩy tiềm lực tấn công của tên lửa Triều Tiên, nếu muốn tấn công Hàn Quốc và Mỹ.
Lãnh đạo Kim Jong Un quan sát một vụ thử tên lửa.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên nói rằng lãnh đạo Kim Jong Un bày tỏ niềm vui khi quan sát thử nghiệm thành công của ‘động cơ đẩy đốt từ nhiên liệu rắn’, gây ra tiếng nổ ‘long trời lở đất’ khi phát ra các tia lửa lớn.
Tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng dễ bị phát hiện ngay từ khi nạp trước lúc phóng, nên khó có thể phóng loại tên lửa này mà không gây ra sự chú ý.
Trong khi đó, sử dụng nhiên liệu rắn (được nạp sẵn vào bên trong tên lửa) sẽ rút ngắn thời gian chuẩn bị và tăng tính cơ động của vũ khí.
Nhờ vậy, kế hoạch phóng tên lửa cũng sẽ ít bị phát hiện từ các hình ảnh chụp từ vệ tinh.