Lượt khám bệnh tăng đột biến
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tại “tam giác” giữa 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai đã xuất hiện các chuyến xe “mồi” bệnh nhân. Cụ thể, một số BV, phòng khám tư đã tổ chức các chuyến xe liên tỉnh chất lượng cao để hút khách. Mới đầu, các chuyến xe này trương biển “du lịch khám bệnh”, sau đó sợ lộ liễu lại bỏ đi.
Tuy nhiên, khi các hành khách lên xe, nếu rút thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) ra sẽ được miễn phí vé xe. Sau đó, bằng các hình thức chèo kéo, nhân viên nhà xe sẽ rủ rê người dân có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh (KCB) miễn phí. Tại các BV tư đó, họ sẽ không phải đồng chi trả BHYT mà sẽ được miễn luôn. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể được tặng quà lưu niệm, được mời uống nước chanh, nước cam mát lạnh từ tay các cô y tá xinh đẹp, duyên dáng dù chỉ đến “tham quan” BV. Và sẽ không ít người dân đã không cưỡng được “cám dỗ” này, sẵn sàng rút thẻ BHYT để KCB dù vẫn khoẻ mạnh. Và khi đã khám đương nhiên không chỉ ra 1-2 bệnh.
Khám chữa bệnh tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Ảnh: Diệu Linh
Ngoài ra, đã có ít nhất 7 BV tư nhân khu vực miền Trung đã xin “xuống hạng” từ hạng 2 xuống hạng 3 mà câu chuyện đằng sau nó có thể là để được quyền thu hút bệnh nhân thông tuyến.
Đây chỉ là một trong nhiều chiêu trò mà các BV tư đã thực hiện trong thời gian qua để hút bệnh nhân từ các địa bàn khác. Nguyên nhân là từ 1.1.2016, theo quy định, người dân dù đăng ký KCB ban đầu ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa tư nhân hay BV huyện thì dù đi khám ở bất cứ cơ sở nào tương đương trên địa bàn tỉnh, đều được thanh toán BHYT như đi khám đúng tuyến. Ngoài ra, người dân đăng ký KCB ban đầu ở tuyến tỉnh, T.Ư thì được “thông tuyến” với các BV huyện trên toàn quốc. Quyền lợi “ngược” này để tạo điều kiện cho người dân khi đi công tác, đi thăm gia đình cần khám bệnh gấp. Đồng thời, viện phí tăng, dịch vụ kỹ thuật được áp dụng đồng giá đối với các BV trên toàn quốc nên khi đi khám BV T.Ư hay huyện, người dân vẫn được hưởng dịch vụ và các loại thuốc tương đương.
Cánh cửa BHYT đã mở khá rộng, nên có tình trạng lượt khám chữa bệnh tăng đột biến ở một số BV, đặc biệt là BV và phòng khám tư. Theo BHXH Việt Nam, so sánh với lượt KCB giữa tháng 1-2 năm 2015 và tháng 1-2 năm 2016, số lượt khám ở các BV, phòng khám tư tăng từ 30 đến trên 500%. Cụ thể như Hà Nội tăng 34%, An Giang tăng hơn 100%. Cá biệt, một BV chuyên khoa mắt ở Nghệ An tăng 500%, phòng khám Quang Trung (tỉnh Quảng Trị) tăng 339%... Còn số lượt KCB ở tuyến xã giảm chung 3,9% với nguyên nhân chính là “bỏ xã lên huyện”. Một số tỉnh giảm mạnh KCB tuyến xã như Quảng Nam 27%, Sóc Trăng 37%... Còn KCB tuyến huyện tăng 2,2%, tuy nhiên, ở một số BV huyện có hiện tượng giảm lượt khám như Quảng Nam giảm chung 20-30%, tại Bắc Ninh có bệnh viện giảm 66% so với cùng kỳ năm 2015…
“BV tư tăng là hợp logic thôi. Đó là vì họ phục vụ tốt hơn, dù cơ sở nhỏ nhưng họ bố trí khoa học, sạch sẽ, đón tiếp bệnh nhân niềm nở, viện phí tăng nên người bệnh chỉ phải trả tiền chênh lệch so với giá BHYT quy định rất thấp. Họ không chỉ KCB ân cần, niềm nở mà còn chăm sóc, tư vấn sau khi bệnh nhân đã KCB xong rất tốt. Còn tại không ít BV công, nhân viên y tế nhìn cau có, nói cộc lốc, nói ngắn gọn đến mức bệnh nhân không biết vừa được trả lời cái gì, hỏi lại thì không dám hỏi. Đó là những điều không mới nhưng BV công vẫn đang cần phải học hỏi BV tư” – ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) nhận định.
Việc các BV công bị BV tư “giành” bệnh nhân đã được dự báo từ trước nhưng các BV công vẫn giữ bệnh nhân theo cách thông thường như: Tổ chức các hội thảo hoành tráng có các bài phát biểu quan trọng; các lễ ký kết rầm rộ rồi không thực hiện nên khối y tế tư nhân tăng lượt KCB lên 30-35%, còn BV công ế ẩm là đương nhiên”. Ông Phạm Lương Sơn |
“Rào giậu” cho kín
Theo ông Sơn, việc tăng giảm đột biến lượt KCB trong 2 tháng đầu năm với nguyên nhân chính là thông tuyến cũng chỉ ra nhiều nghi vấn cần làm rõ, nhiều rắc rối phải khắc phục.
Cụ thể, trong xu thế trạm y tế xã có số lượt khám giảm thì tại Cần Thơ lại tăng 36%, Hậu Giang tăng 44%... “Chúng tôi đã đặt nghi vấn liệu có lạm dụng quỹ BHYT hay không và đang yêu cầu BHXH Cần Thơ và Hậu Giang phải làm rõ. Vì đã từng có địa phương bà con đi chợ buổi sáng tiện đường vào trạm y tế khám bệnh, lấy thuốc dù chẳng có bệnh, đều đặn như vắt chanh 1 tuần vài lần. Giờ thông tuyến có thể tranh thủ sang cả xã bên cạnh, không ai kiểm soát được. Nếu tình trạng này lan toả ra cả nước thì không chỉ bó hẹp trong vài chục nghìn mà là tiền tỷ” – ông Sơn phân tích.
Một ca phẫu thuật tại BV Đa khoa quận Thốt Nốt (Cần Thơ). Ảnh: I.T
Đối với các chiêu trò hút bệnh nhân của BV tư, ông Sơn cho biết không có quy định nào cấm BV tư tặng hoa, mời nước hoặc miễn đồng chi trả cho bệnh nhân. Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định, để tránh trường hợp lạm dụng quỹ đối với bệnh nhân chẳng có bệnh vẫn khám bệnh, BHXH Việt Nam đã yêu cầu 3 tỉnh có chuyến xe “du lịch chữa bệnh” nói trên rà soát lại các BV tư. Nếu phát hiện các các trường hợp vượt tuyến KCB không hợp lý (đi sang tỉnh khác chữa các bệnh mà BV nơi mình đăng ký KCB ban đầu cũng chữa được mà không phải do cấp cứu, do thăm người thân, đi công tác hoặc KCB nhiều lần trong thời gian ngắn không phải do chỉ định của bác sĩ), BHXH sẽ không thanh toán chi phí KCB cho các trường hợp này.
Còn đối với BV tư xin xuống hạng, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu Sở Y tế, BHXH tỉnh rà soát hợp đồng thanh toán BHYT với BV đó, xem BV xin xuống hạng thực sự do chất lượng không đủ tiêu chuẩn hay do “làm trò” để hút bệnh nhân. Nếu phát hiện khuất tất, BHXH tỉnh có thể chấm dứt hợp đồng với họ.
“Chuyện lạ” nữa là so với 2 tháng đầu năm 2015, chi phí KCB ở BV T.Ư tháng 1- 2 lại tăng tới 13%, trong đó chuyển đúng tuyến là 3,5% nhưng trái tuyến tới 5,4%. Nguyên nhân cơ bản là do thông tuyến nên việc chuyển tuyến từ các cơ sở không phải nơi đăng khí KCB ban đầu lên tuyến tỉnh, tuyến T.Ư dễ dàng hơn.
Theo ông Sơn, việc BV T.Ư tăng lượt KCB 13% sẽ lãng phí khổng lồ. Vì khi BV T.Ư, BV đặc biệt lại khám và điều trị bệnh thông thường (cảm cúm, viêm họng…) sẽ lãng phí nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế, thời gian của bệnh nhân, gây quá tải BV… với nhiều hiệu ứng xấu tiếp theo. Nhưng tìm được giải pháp ngăn chặn là rất khó. “BHXH Việt Nam đã đề xuất giải pháp yêu cầu bác sĩ phải có trách nhiệm với các trường hợp chuyển tuyến để chuyển tuyến hợp lý. Tuy nhiên, rất khó tranh luận với bác sĩ về việc chuyển hay không chuyển, vì trong 1.000 trường hợp không chuyển tuyến điều trị an toàn, bỗng dưng có 1 ca vì không chuyển tuyến mà xảy ra tai biến thì ai chịu trách nhiệm?” – ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Mai Tiến Đông – Phó Giám đốc BV Đa khoa quận Thốt Nốt (Cần Thơ) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2016, lượt bệnh nhân KCB tại BV tăng 30-35%, từ hơn 1.000 bệnh nhân lên 1.300-1.400 bệnh nhân/ngày. “Chúng tôi đã đầu tư cơ sở vật chất, tăng các chất lượng dịch vụ KCB, đầu tư trang thiết bị, nâng cao trình độ của bác sĩ, thực hiện nhiều kỹ thuật cao tại BV. Đồng thời, chúng tôi quán triệt, nếu không giữ bệnh nhân là đói nên nhân viên toàn BV đều tự giác thay đổi thái độ phục vụ với người bệnh” – ông Đông chia sẻ. |