Dân Việt

Việt Phủ Thành Chương khắc khoải trong bảo tồn và gìn giữ!

Huy Hoàng 05/05/2016 07:12 GMT+7
15 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Việt Phủ Thành Chương là nơi gìn giữ của hơn 2000 cổ vật Việt Nam đặc sắc. Tuy nhiên để tiếp tục duy trì và bảo tồn các cổ vật này, Việt Phủ đang vấp phải bài toán khó về kinh tế để có thể duy trì và bảo tồn.

Sáng 4.5, tại Việt Phủ, họa sĩ Thành Chương đã chia sẻ với báo chí 15 năm chặng đường gian lao và cực khổ khi xây dựng và gìn giữ, bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Theo họa sĩ, ông sinh ra tại làng quê Bắc Ninh, nơi là nôi văn hóa kinh Bắc của Việt Nam. Chính vì vậy, tình yêu văn hóa nghệ thuật của cha ông từ nhà văn Kim Lân đã truyền sang cho ông. Và không phải niềm đam mê, thích thú, đối với văn hóa truyền thống mà tình yêu văn hóa truyền thống đã được chảy trong huyết quản của họa sĩ ngay từ ngày bé, và chưa khi nào tình yêu ấy bị nguội lạnh hay ngừng nghỉ. Việt Phủ chính là kết quả tất yếu tình yêu vô bờ bến của họa sĩ Thành Chương đối với văn hóa nghệ thuật truyền thống. 

Đối với tôi từ lâu rồi đã nhận thức rất rõ về di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của cha ông mình, nó  thực sự đẹp đẽ, minh triết và lớn lao. Thế nhưng hoàn cảnh của đất nước, trải qua thiên tai, địch họa, đặc biệt là nhận thức của con người để rồi di sản văn hóa đã bị tàn phá, hủy hoại.

img

Họa sĩ Thành Chương trong buổi họp báo kỷ niệm 15 năm Việt Phủ Thành Chương.

“Vẫn biết chúng ta luôn tự hào về văn hóa nghệ thuật truyền thống của cha ông, thế nhưng giờ nhìn lại, chúng ta còn có được những di sản nào, bảo tồn được những gì? Chính những câu hỏi này cùng với tình yêu di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống đã khiến tôi luôn có ý thức phải làm một điều gì đó. Và tôi nghĩ mỗi chúng ta đây nên có trách nhiệm và  cố gắng ý thức gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống” - họa sĩ Thành Chương cho hay.

Theo họa sĩ, Việt Phủ có diện tích hơn 8.000m2 đã trở thành tấm toan mà trên đó, ông đã triển khai các ý tưởng của mình. Ông không đặt vào đó những mô hình, bộ sưu tập một cách rập khuôn, máy móc mà sắp đặt một đời sống, đưa trả các cổ vật trở về với đời sống thật sự của chính nó như trước kia, trong sự hòa hợp với những yếu tố mới của thời đại.

Mỗi ngôi nhà, mỗi kiến trúc tự thân đã là một vật thể chiêm ngưỡng chứa đựng bên trong những vật thể đáng chiêm ngưỡng khác. Nó là những giá trị, tinh hoa của di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống cha ông để lại, chính vì vậy, để bảo tồn, gìn giữ và phát triển, mong muốn của họa sĩ Thành Chương là Việt Phủ không chỉ là của cá nhân gia đình mà trở thành bảo tàng, trở thành điểm đến của cộng đồng, của khách du lịch để có được kinh phí cho việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển Việt Phủ.