Sau thời gian hạn hán kéo dài, những cơn mưa đầu mùa thi thoảng làm đồng ruộng miền Tây nổi nước. Lúc đó, cua đồng mới chịu bò lên bờ để tìm thức ăn và cũng để tránh nước ngập. Người dân cầm cái thùng ra ruộng, lội bì bõm xuống bờ đê rồi bắt những con cua đầu mùa mập ú mang về nấu món bún riêu.
Tô bún riêu cua đặc trưng theo kiểu miền Tây. (Ảnh: Dũng Huyền)
Sau khi làm sạch con cua, bóc bỏ mai lấy gạch để riêng, phần thân còn lại mang đi giã nhuyễn. Cho cua xay vào nồi to cho nước vào, sao cho phần nước ngập phần cua và cao hơn một lóng tay là được. Tiếp tục cho một muỗng canh mắm tôm vào phần nước cua. Sau đó lược lại hỗn hợp này, chỉ lấy phần nước, bỏ phần xác.
Phần váng cua vớt ra để riêng rồi lấy nước cua đổ vào nồi nước dùng giò heo đang sôi sùng sục trên bếp. Kế đến, lấy phần váng cua nêm nếm gia vị rồi cho vào một quả trứng gà trộn đều đem chưng cách thủy chừng nửa giờ là chín. Váng cua chín xắt miếng vừa ăn, góp phần gia tăng hương vị cho tô bún.
Bún riêu cua thích hợp trong những buổi tiệc sum họp gia đình. (Ảnh: Dũng Huyền)
Người miền Tây thường lấy gạch cua xào với cà chua rồi trút vào nồi nước dùng. Món bún riêu cua cần làm “đúng điệu” thì mới ra chất miền Tây đem lại cảm giác “lạ” đối với người dùng. Ở một số nơi, người ta còn trang trí món bún riêu bằng đậu hũ cắt nhỏ, chiên vàng, hoặc thêm thịt nạc hoặc huyết heo để gia tăng mùi vị cho nồi nước dùng.
Bún riêu cua đặc trưng theo kiểu miền Tây không thể thiếu ít ngò gai, hành phi và rắc ít hạt tiêu để tô bún bốc mùi thơm nức.
Cho bún vào tô, sắp một miếng chả cua, một khoanh giò heo, chan nước dùng với vài miếng đậu hũ, cà chua, rắc hành ngò xắt nhỏ vào.Chuẩn bị thêm một chén mắm tôm nhỏ, một chén nước mắm me, chanh, ớt, rau sống dùng kèm là có thể thưởng thức một món ăn đậm đà hương vị, đảm bảo ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên!