Nắng nóng không có gì bất thường
Theo ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ Dũng, hàng năm cứ vào thời điểm này khu vực TP.HCM nói riêng và Đông Nam Bộ lại trong giai đoạn nắng nóng gay gắt. Thậm chí vào ban đêm nhiệt độ còn lên đến 28 độ C, ban ngày có thời điểm nhiệt độ cao nhất là hơn 37 độ C. Do đó khi ra đường người dân có cảm giác nắng rất gay gắt, ngột ngạt và lo sợ sẽ gây bệnh tật.
Tuy nhiên, theo ông đây là hiện tượng không có gì bất thường. Trong thời gian tới tình trạng nắng nóng này vẫn còn tiếp tục diễn ra trên diện rộng, mặc dù trong khu vực đã xuất hiện các đợt mưa trái mùa nhưng lượng mưa không đáng kể.
Riêng về thông tin chỉ số tia cực tím (UV) tăng lên mức quá cao, vượt ngưỡng cho phép, ông Dũng cho rằng Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ không đo chỉ số này. Việc một số tờ báo mạng dẫn thông tin về tia cực tím từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ là không chính xác.
Nắng nóng ở Sài Gòn hiện tại không có gì bất thường. (Ảnh: Hữu Ký)
“Việc đánh giá về chỉ số tia cực tím cần có cơ sở khoa học, trong khi Đài không có thiết bị đo đạc chỉ số này nên không thể cho rằng chỉ số này đã vượt ngưỡng cho phép và đe dọa đến sức khỏe người dân” - ông Dũng nói.
Cách phòng tránh tác hại của tia UV với da
Tuy thông tin chỉ số UV vượt quá mức cho phép là chưa chính xác, nhưng các bác sĩ vẫn đưa ra lời khuyên đối với người dân khi đi ra đường cách phòng tránh tác hại của tia UV.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám Da liễu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tia UV có 3 loại A, B, C. Tia UVA có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da; tia UVB gây say nắng, tổn thương làm đen da; và tia UVC gây ung thư da nhưng đã có tầng Ozôn chặn lại.
“Con người thường tiếp xúc với UVA (90%) và UVB (10%). Thời điểm có tia UV là sáng, chiều, tối, trời nắng hay có mây, mưa, lúc nào cũng có, cường độ mạnh nhất là vào 10h sáng đến 14 - 15h chiều. Thời điểm này, khi đi ra ngoài thì người dân nên có các biện pháp bảo vệ” - bác sĩ Minh nói.
Theo ông Minh, có nhiều biện pháp phòng tránh tia UV. Thông thường là người dân nên đội nón rộng vành, phủ được 2/3 khuôn mặt, sử dụng ô (dù), đeo mắt kính màu sậm, màu đen, bịt kín khẩu trang. Ngoài ra còn có thể sử dụng các loại kem chống tia UV hoặc viên chống nắng.
“Cần lưu ý khi sử dụng kem chống nắng là phải thoa trước 15 - 20 phút trước khi đi ra ngoài nắng, kem chống nắng chỉ có tác dụng 2 - 3 tiếng, sau đó cần rửa mặt và thoa lại kem mới để có tác dụng bảo vệ tốt, nếu không càng dễ gây ra bắt nắng. Đối với những người làm việc tại môi trường biển, ẩm ướt hay ra nhiều mồ hôi cần sử dụng kem chống nắng chống thấm nước, cách một tiếng thoa kem lại một lần. Với người sử dụng viên chống nắng, nên uống trước 30 phút đến 1 tiếng, lặp lại sau mỗi 6 tiếng” - bác sĩ Minh thông tin thêm.