Mỗi trạm y tế xã có một vườn thuốc nam
Đến với nhiều huyện trong tỉnh Sơn la, thấy rằng mỗi trạm y tế xã đều có một mảnh vườn thuốc nam nhỏ nhỏ, rào giậu cẩn thận. Trong vườn, những cây thuốc được chăm sóc xanh tốt. Nhiều loại cây thường thấy ở ngay trên những nương, vườn, bờ ruộng hay trên núi, trên rừng, cũng được trồng và bảo vệ cẩn thận: Cây ổi, tam thất, gừng, kinh giới, nhọ nồi, chó đẻ răng cưa… Với mỗi thân cây như vậy đều được treo biển, ghi rõ ràng tên gọi, công dụng chữa bệnh và cách dùng khi làm thuốc.
Cán bộ y tế huyện Phù Yên và xã Mường Lang hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế xã
Bác sỹ Giàng A Sanh, trạm trưởng trạm y tế xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn la, cho biết: Ngay từ khi thành lập trạm y tế chúng tôi đã được qui hoạch một diện tích quỹ đất dành cho việc xây dựng vườn thuốc nam. Mỗi địa bàn đều có những cây thuốc thông dụng theo kinh nghiệm dân gian và trách nhiệm của các cán bộ trọng trạm là phải tìm hiểu, sưu tầm, chăm sóc và nhân giống những cây thuốc ấy.
Cũng theo anh Sanh thì lâu nay, cùng với việc đảm bảo 100% số xã, thị trấn trong tỉnh đều có trạm y tế với đầy đủ cán bộ, trang thiết bị, dụng cụ y tế, giường bệnh, phòng khám và cơ số thuốc tây y cần thiết thì thuốc nam cũng được ngành y tế Sơn La ngày càng chú trọng hơn.
Theo Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Đa Khu: Nếu người dân hiểu đúng về cây thuốc nam và biết cách tìm kiếm và sử dụng những cây thuốc ấy thì giá trị của nó rất lớn, đặc biệt là với vùng sâu, vùng xa, điều kiện giao thông khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành y tế còn có những hạn chế. Nếu người dân chủ động chăm sóc sức khỏe, phòng - chống bệnh tật bằng những vị thuốc nam này thì không chỉ giúp người dân đỡ vất vả mà ngay cả ngành y tế cũng giảm đi được nhiều sức ép về số lượng bệnh nhân cần điều trị. Tất nhiên là việc sử dụng này phải được hướng dẫn, giám sát chặt chẽ. Với y học cổ truyền, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới việc tìm kiếm, sàng lọc, kiểm nghiệm và nhân rộng những bài thuốc dân gian của bà con các dân tộc trong việc chữa trị nhiều bệnh: Xương khớp, thần kinh, tiêu hóa, thận, gan, sỏi mật… Chính những vườn thuốc nam ở các trạm y tế này đang giúp chúng tôi trên nhiều lĩnh vực: Sưu tầm, phát hiện, bảo tồn, giới thiệu… về cây thuốc và bài thuốc dân gian.
Giúp người dân biết phòng, chống bệnh tật từ những bài thuốc nam
Ở trạm y tế xã Mường Lang – xã đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, tôi đã thấy vườn thuốc Nam được chăm sóc rất cẩn thận với gần 100 cây thuốc thông dụng mà bà con vẫn dùng hàng ngày. Anh Hà Văn Lưu, trạm phó trạm y tế xã Mường Lang, bảo: Chúng tôi đã sưu tầm và chăm sóc vườn thuốc nam này cả chục năm nay. Với bà con dân tộc vùng khó khăn như Mường Lang thì việc hiểu biết về cây thuốc, bài thuốc dân gian có giá trị lớn vô cùng. Bà con ở đây thường mắc những bệnh đơn giản nhưng nếu không chữa trị kịp thời thì rất nguy hiểm, nhất là trong điều kiện có những bản xa trung tâm y tế tới cả chục km như Tường Lang, Thượng Lang.... Cây gừng ta vẫn ăn hàng ngày này có thể chữa cảm lạnh rất tốt nếu uống kịp thời một cốc nước gừng tươi nóng pha đường khi mắc cảm. Cây ổi này có thể giúp chữa trị việc đi ngoài mất nước…
Vườn thuốc nam ở trạm y tế xã Mường Lang, huyện Phù Yên, Sơn La có cả trăm cây thuốc nam thông dụng, thiết thực góp phầm chăm sóc sức khỏe người dân
Ông Đinh Văn Thủy, dân bản Thượng Lang, bảo: Tôi đã được cán bộ y tế xã, bản hướng dẫn nhiều về cây thuốc nam ở vườn thuốc của Trạm y tế xã và đã từng nhiều lần ứng dụng những kinh nghiệm ấy vào chữa bệnh cho bản thân và con cháu mình. Như cái cây kinh giới mà mình vẫn ăn rau sống đã giúp cho bọn trẻ nhà tôi tránh được rôm sẩy, mụn nhọt nhờ đun nước lá tươi để uống và tắm. Còn tôi, ở cái tuổi gần 60 này thì cũng lấy lá và thân cây để đun nước uống, chữa đau lưng, nhức mỏi thân mình rất hiệu nghiệm.
Nói về giá trị của những vườn thuốc nam, lang y bản Ôn Ốc, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, bảo: Tôi làm nghề này nên hiểu giá trị của những vườn thuốc nam ấy lớn lắm. Nếu biết dùng thì thuốc nam nó không thua kém với y học hiện đại đâu. Việc lập ra cả trăm vườn thuốc nam của ngành y tế Sơn La là một trong những cố gắng rất đáng ghi nhận. Trong xã hội này, nhiều bài thuốc nam, nhiều cây thuốc nam rất quý đang bị thất truyền, mất gốc. Phát hiện, bảo tồn, nhân giống và phổ biến những bài thuốc nam tới người dân ở vùng cao là việc làm rất thiết thực, mong rằng Nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới lĩnh vực này.