Trương Nguy (trái), mẹ bé Gia Gia. Ảnh: Shanghaiist
Theo Shanghaiist, bé trai Gia Gia được trị liệu hai tháng nay tại trung tâm y tế dành cho trẻ tự kỷ Thiên Đạo Chính Khí, một cơ sở tư nhân ở Quảng Châu.
Mẹ bé là Trương Nguy, hôm 27.4 được thông báo con trai bị sốt phải nhập viện. Cô vội đi từ Liêu Ninh tới Quảng Châu thì biết tin bé đã qua đời. Khi nhận xác con, Trương Nguy suýt nữa không nhận ra vì cơ thể con gầy yếu, có nhiều vết xây xước.
Thiên Địa Chính Khí do Hạ Đức Quân sáng lập. Ông này đưa ra phương châm điều trị trẻ theo phương pháp huấn luyện quân sự, cho rằng nguyên nhân chính khiến trẻ tự kỷ là do hư hỏng và lười biếng.
Hạ tuyên bố loại hình tập luyện trên có tác dụng làm trẻ bình tĩnh. Chế độ ăn chủ yếu ở đây là rau củ, trái cây và cơm.
Trương Nguy chụp lại lịch điều trị của con hôm 26.4 trong đó ghi Gia Gia phải đeo đồ nặng đi bộ 10 km sau bữa sáng, sau đó ăn trưa và ngủ, đến chiều lại đi bộ tiếp 9 km.
Bé Gia Gia sống cùng bố mẹ ở Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc. Bé chỉ biết nói vài câu đơn giản, đôi khi không thể truyền đạt thông tin, bé sẽ đập đầu hoặc cắn lưỡi.
Sau khi Gia Gia được các bác sĩ một bệnh viện ở Bắc Kinh chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ thể nhẹ, Trương Nguy bắt đầu tìm kiếm cơ sở chữa bệnh cho con trai và biết đến Hạ Đức Quân, sau khi đọc một cuốn sách trên mạng của ông ta. Hạ tuyên bố đã chữa trị thành công cho một số trẻ mắc bệnh tự kỷ nhờ phương pháp trên.
Cơ sở trị liệu bé Gia Gia tại Quảng Châu. Ảnh: Shanghaiist
Trương Nguy đã mua khóa điều trị ba tháng tại cơ sở của Hạ Đức Quân cho con trai, với giá 4.800 USD. Hạ Đức Quân cập nhật tình hình của trẻ qua ứng dụng WeChat cho phụ huynh, mà không cho phép họ giao lưu trực tiếp với con cái trong suốt thời gian điều trị.
Sau khi Gia Gia tử vong, Hạ đã nhắn tin gọi tất cả phụ huynh tới đón con về. Sau khi Trương Nguy tuyên bố sẽ kiện trung tâm, chính quyền địa phương đã mở cuộc điều tra và phát hiện, cơ sở này không đăng ký với Sở Dân chính Quảng Châu và không có ai giám sát.
Đây là vụ bê bối y tế lớn nhất liên quan tới quảng cáo trên mạng ở Trung Quốc. Cuối tháng 4, một nam sinh viên 21 tuổi mắc bệnh ung thư hiếm gặp cũng tử vong vì tin vào quảng cáo trên Baidu và đăng ký điều trị ở một bệnh viện tại Bắc Kinh mà phương pháp điều trị này chưa qua thử nghiệm lâm sàng.