Thưa GS, ông đã có sự chuẩn bị như thế nào khi quyết định ra ứng cử ĐBQH?
- Là một nhà khoa học đã có hơn 30 năm nghiên cứu về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, các vấn đề về nước, nông nghiệp, năng lượng, an toàn thực phẩm..., tôi có 3 lý do để ra ứng cử ĐBQH: Về mặt gia đình, các con tôi đã trưởng thành nên tôi có thời gian và điều kiện để tham gia hoạt động của Quốc hội.
Thứ hai, nhiều năm làm việc ở trong nước và quốc tế, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức, có những đóng góp nhất định trong lĩnh vực mình đang theo đuổi, tiếng nói cá nhân trong lĩnh vực môi trường có tầm ảnh hưởng nhất định.
GS-TS Nguyễn Hữu Ninh sinh năm 1954 ở Hà Nội. Năm 1977, tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Szeged (Hungary) chuyên ngành Sinh học. Từ1977 đến 2014: Giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu giáo dục môi trường và phát triển (CERED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Năm 2013 ông được Hạ viện lập pháp bang Hawaii (Mỹ) vinh danh với những đóng góp trong vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu. Năm 2007, ông là thành viên giải thưởng Nobel Hòa bình của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC) |
Lý do thứ ba là vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu ở Việt Nam đang ngày càng trở gay gắt, phức tạp. Với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được có thể đóng góp phần nào vào việc xây dựng chính sách, hành lang pháp lý để phát triển phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường đang diễn ra ngày càng phức tạp tại Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào khi nhiều người tự ứng cử đã bị loại ở vòng hiệp thương thứ ba, mặc dù họ cũng được dư luận đánh giá là xứng đáng?
- Tôi cho rằng, những người tự ứng cử khi đã vào được vòng hiệp thương thứ ba đều rất xứng đáng như đại diện của Ủy ban bầu cử TP.Hà Nội đã đánh giá. Tuy nhiên khi làm công tác hiệp thương, những người có trọng trách sẽ lựa chọn tùy theo góc độ chuyên môn và những đóng góp của người đó để quyết định có nên đưa vào danh sách chính thức hay không.
Tôi nghĩ rằng vấn đề mà tôi đang theo đuổi cũng là vấn đề cấp thiết đối với Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Vì thế, có thể những người làm hiệp thương cũng muốn trong Quốc hội khóa tới có người có chuyên môn sâu trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu để góp phần xây dựng các chính sách trong vấn đề này.
Đúng như ông nói, lĩnh vực môi trường ở Việt Nam đang rất nóng bỏng. Ông đã có ý tưởng gì để xây dựng chương trình hành động của mình khi vận động bầu cử?
-Vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu không chỉ nóng bỏng ở Việt Nam mà còn là vấn đề toàn cầu. Nó ảnh hưởng tới toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tôi có hơn 30 năm làm việc, nghiên cứu trong lĩnh vực này. Vì thế, khi đi tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, tôi sẽ tập trung chủ yếu vào vấn đề này để trao đổi. Nếu được cử tri tín nhiệm, tôi sẽ theo đuổi vấn đề này, cũng như chuyển tải nguyện vọng, ý chí và tâm tư của cử tri về vấn đề môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, an toàn thực phẩm, an ninh tài nguyên nước... đến Quốc hội.
Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL, hạn hán nghiêm trọng ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, cá chết hàng loạt dọc biển miền Trung… đang là những vấn đề nóng bỏng. Ông sẽ đưa những vấn đề này vào chương trình hành động của mình thế nào?
-Những vấn đề môi trường đang xảy ra với các địa phương kể trên đều được các nhà khoa học về môi trường, trong đó có tôi, dành sự quan tâm đặc biệt. Vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán đang xảy ra là do tác động của biến đổi khí hậu, cộng với tác động từ El Nino mạnh nhất trong vòng 100 năm qua.
Theo nghiên cứu, hiện tượng El Nino đã kéo dài suốt từ năm 2014 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Hiện tượng này không chỉ tác động tới Việt Nam mà còn tác động tới các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong tương lai có thể còn xảy ra những hiện tượng còn phức tạp hơn, hậu quả nặng hơn nữa.
Chính vì vậy việc xây dựng chính sách để chủ động ứng phó, thích nghi, cũng như thu hút sự tham gia của các bên liên quan, nhất là các cộng đồng địa phương, là rất quan trọng.
Về hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, nguyên nhân có thể do con người. Câu hỏi là chúng ta đã thực hiện việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với toàn bộ những khu công nghiệp và các dự án đang phát triển dọc duyên hải miền Trung thế nào?
- Qua sự việc này chúng ta phải tăng cường kiểm tra để nâng cao trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương liên quan và các chủ dự án để buộc họ phải thực hiện theo hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường đã được thông qua. Ngoài ra, chúng ta cũng phải quan trắc và kiểm soát vấn đề môi trường chặt chẽ, không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Mạng xã hội là công cụ có sự lan tỏa lớn hiện nay. Ông sẽ sử dụng mạng xã hội để chia sẻ chương trình hành động đến đông đảo cộng đồng, thưa GS?
- Tôi nghĩ vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu bản thân nó đã nóng rồi. Trong 5 -10 năm vừa qua tôi cũng đã xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông đại chúng nên cũng có thể được nhiều người biết tới. Tôi nghĩ mình sẽ dựa vào phương tiện thông tin chính thống để vận động bầu cử. Cái đó là phù hợp với tư duy và tính cách của tôi - một người làm khoa học. Tôi không phải là nhà truyền thông, đối với tôi vấn đề vận động bầu cử cũng giống như cách giải quyết vấn đề khoa học nên tôi sẽ chọn phương tiện truyền thông chính thống.
Xin cảm ơn GS!