Dân Việt

Phát hiện, khoanh vùng bảo vệ khẩn cấp giếng Chăm cổ thế kỷ XII

Công Bính 07/05/2016 06:44 GMT+7
Một giếng Chăm cổ có niên đại từ thế kỷ XII vừa được phát hiện tại xã Hương An (huyện Quế Sơn, Quảng Nam). Hiện giếng cổ này đang được bảo vệ để địa phương mời các nhà khảo cổ tiến hành nghiên cứu, thẩm định.

Ngày 6/5, trao đổi với PV, ông Tôn Thất Hướng - Trưởng phòng Di sản (Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam) - cho biết: Ngày 5/5, Sở VH-TT&DL tỉnh phối hợp với chính quyền và nhân dân thôn 6 (xã Hương An, huyện Quế Sơn) thực hiện khẩn cấp công tác khoanh vùng nhằm bảo vệ giếng Chăm cổ có niên đại từ thế kỷ XII mới vừa phát lộ.

Theo khảo sát ban đầu, giếng được xây dựng theo kết cấu hình vuông, mỗi cạnh khoảng gần 1 mét và được xây bằng gạch chăm cổ, giống như chất liệu được sử dụng để xây dựng các đền tháp của người Chăm cổ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như ở Thánh địa Mỹ Sơn, tháp Chiên Đàn…

img

Giếng Chăm cổ vừa được phát lộ

Vì giếng Chăm cổ mới được phát hiện nằm cạnh bờ ruộng nên Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam đã có công văn gởi địa phương thực hiện việc rào chắn, khoanh vùng bảo vệ xung quanh giếng nhằm ngăn chặn tình trạng xâm thực trong quá trình sản xuất của người dân.

Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, qua khảo sát và nghiên cứu ban đầu, các nhà khảo cổ khẳng định nơi phát hiện giếng Chăm cổ đã từng tồn tại một cộng đồng người Chăm sinh sống cách đây hàng chục thế kỷ.

img

Gạch xây giếng giống như gạch xây các đền tháp cổ ở Mỹ Sơn

Hiện tại, ngoài giếng Chăm cổ, cách phế tích Chăm Hương Quế (xã Hương An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) khoảng 20 mét đang có một quần thể các di tích như bia chăm, tượng bò thần và các miếu chăm. Khu vực quần thể kiến trúc này đã được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh và được bảo vệ cẩn thận.

Ông Tôn Thất Hướng cho biết, sau khi giếng Chăm cổ được phát lộ, tỉnh Quảng Nam sẽ mời các chuyên gia thực hiện các công tác khảo sát, nghiên cứu, thẩm định nhằm tìm ra giá trị lịch sử của giếng Chăm cổ này để có thêm chứng cứ khoa học khẳng định rằng khu vực này đã từng tồn tại một cộng đồng cư dân Chăm cổ sinh sống.

“Độ sâu của giếng cũng không dám nạo vét sâu thêm. Phải làm hết sức cẩn thận nếu không giếng sẽ bị sạt lở. Hiện địa phương đang bảo vệ hiện trạng để chờ các nhà khảo cổ đến”, ông Hướng cho biết.