Tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền, 100% các tuyến đường liên xã và tuyến QL 49 B đi qua địa bàn xã vẫn bị ngập sâu từ 0,5- 1m, hàng trăm hộ dân vẫn bị nước lũ nhấn chìm.
Lũ rút không đáng kể do thủy điện xả lũ nên toàn tỉnh vẫn còn hơn 11.000 nhà dân bị ngập sâu, trong đó TP. Huế có hơn 10.000 nhà. Toàn tỉnh đã có hơn 473ha hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do lũ.
Ngoài 3 người thiệt mạng trước đó, trên địa bàn tỉnh có thêm 4 người thiệt mạng và 2 người mất tích. UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ 1.000 tấn gạo, 500 tấn lúa giống, 8 tấn giống ngô và rau giúp người dân trong tỉnh khắc phục hậu quả lũ lụt; hỗ trợ 50 tỷ đồng để khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi.
Đến chiều 17-11, Quảng Nam đã có 8 người chết và 2 người bị thương do mưa lũ. Tại huyện Phước Sơn, lúc 17 giờ ngày 16-11, tại thủy điện Đăk Mi, một quả đồi đã sạt xuống làm sập nhà bếp và 2 phòng ở của Công ty Dong Fang (Trung Quốc) làm ông Nguyễn Anh Tuấn (SN 1953, tài xế) chết tại chỗ và bà Hoàng Thị Chúc (phụ bếp), ông Xhuang Guang Zhong (SN 1969, quốc tịch Trung Quốc, phụ trách hậu cần) bị thương nặng.
Huyện Phú Ninh huyện Tiên Phước, TP. Kon Tum, huyện Bắc Trà My, mỗi địa phương có 1 người chết, huyện Đại Lộc có 2 người chết do lũ...
Tại Bình Định mưa to đến rất to khiến các xã ven đê khu đông phía Đông Nam huyện Phù Cát và phía Đông huyện Tuy Phước tiếp tục bị ngập chìm trong lũ từ 0,5-1m. Tuyến tỉnh lộ từ huyện Hoài Nhơn đi các huyện miền núi An Lão, Hoài Ân bị ngập nước, gây ách tắc giao thông.
An Sơn - Vân Anh -Thu Nguyệt - Hà Thanh