Đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) có chiều dài 1,5km, điểm đầu giao với đường Tôn Thất Tùng kéo dài, điểm cuối giao với đường phía đông sông Lừ. Trước kia chiều rộng mặt đường chỉ có 11m nên tuyến đường này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc do lưu lượng phương tiện quá lớn.
Sau gần 4 tháng thi công, đến nay mặt cắt ngang của tuyến đường được mở rộng gấp 3 lần đường cũ (từ 27 – 30m), với 4 làn xe, giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường này.
Tổng mức đầu tư dự án gần 225 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội. Dự án do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư. Điểm đặc biệt của dự án này là không mất tiền giải phóng mặt bằng do phần lớn đất làm đường thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng. Thời gian thi công chỉ trong 110 ngày – nhanh gấp nhiều lần so với những dự án khác trên địa bàn Thủ đô.
Vỉa hè rộng 7,5m được lát đá xanh tự nhiên, toàn bộ cây xanh cũng được thay thế và trồng mới đồng bộ, phục vụ người đi bộ, người khuyết tật và xe đạp.
Lần đầu tiên được tập thể dục trên vỉa hè rộng rãi, ông Nguyễn Hữu Trí (52 tuổi, KĐT Định Công, Hà Nội) cho biết: “Con đường này ngày trước ùn tắc liên tục, dù sáng hay chiều đến xe máy cũng chẳng có chỗ mà len nói gì đường cho người đi bộ. Nhưng từ khi mở đường, có vỉa hè rộng rãi thoáng mát, người dân có chỗ vui chơi và tập thể dục, thoải mái vô cùng.”
Xe máy xếp gọn gàng, đúng nơi quy định dành một phần vỉa hè cho người đi bộ.
Điểm đáng chú ý trên tuyến đường này là hệ thống biển hiệu, đèn quảng cáo của các hộ kinh doanh được UBND Thành phố hỗ trợ kinh phí, đầu tư đồng bộ. Các tấm biển quảng cáo được lắp đặt đồng bộ về kích thước, kiểu dáng với hai màu chủ đạo xanh – đỏ.
Anh Phùng Anh Huy, chủ một cửa hàng kinh doanh trên phố Lê Trọng Tấn cho biết: “Khi cả tuyến phố treo biển giống nhau sẽ tránh được tình trạng nhếch nhác, nhà treo biển to – nhà dựng biển nhỏ. Nhưng cũng khó khăn hơn cho người kinh doanh vì với nhiều cửa hàng, tấm biển giống như một cách để nhận dạng thương hiệu vậy”.
Toàn bộ hệ thống đường dây, cáp điện, thông tin liên lạc, viễn thông… được hạ ngầm, tạo không gian thoáng đãng, rộng rãi dọc tuyến phố.
Nhà chờ xe buýt trên đường Lê Trọng Tấn mở rộng.
Tuy nhiên số lượng thùng rác vẫn chưa được bố trí đều dọc hai bên đường, người dân phải đi khá xa mới tìm được chỗ bỏ rác đúng quy định.
Điểm cuối của tuyến đường là cây cầu bắc qua sông Lừ với chiều rộng 14m, dài 30m, kết nối với hai tuyến đường ven sông.
Toàn bộ đèn chiếu sáng lần đầu tiên áp dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED ánh sáng vàng nhằm tiết kiệm điện năng nhưng vẫn đảm bảo cường độ chiếu sáng.