Món rêu đá Thanh Sơn
Mảnh đất nhiều đồi núi, sông, suối Phú Thọ có một món rau đặc sản đó là Rêu đá. Đây được xem là món rau sạch của những người vùng cao.
Khi rêu được lấy về, làm sạch sẽ được đem tẩm ướp gia vị, gồm: Tỏi thái mỏng, muối, mì chính, cộng thêm hành và chút mỡ lợn rồi trộn đều. Sau đó dùng lá đu đủ (hoặc lá rong) gói thành nhiều lớp buộc chặt lại. Lớp lá đu đủ bén lửa bốc lên mùi cay cay, thơm thơm. Đợi đến khi những lá đu đủ bên ngoài chuyển thành màu đen, họ mới bóc từng lớp lá ra để thưởng thức. Mùi tỏi và hành quyện với mùi nồng nồng của rêu đá tạo nên một hương vị rất riêng biệt và khó quên.
Món thịt chua
Nhiều người cho rằng món thịt chua Phú Thọ giống với nem nắm hay nem phùng, nhưng thịt chua Phú Thọ đặc biệt ở cách chọn thính rang sau khi trộn đều với thịt lợn thì được cho vào ống bương, ống tre, nứa để lên men tự nhiên. 4-5 ngày sau khi thịt đã lên men chua thì bỏ ra ăn cùng lá sung, lá ổi, đinh năng. Đây là món ăn vô cùng đơn giản mà hấp dẫn bởi nó đều sử dụng những nguyên liệu đơn giản, dân giã nhưng tạo ra vị giác ngon miệng cho người thưởng thức.
Bánh tai
Bánh tai là thứ quà sáng rất đặc biệt ở Phú Thọ bởi nó dễ ăn, lại lành tính. Khi ăn, phải nếm chậm rãi, cắn từng miếng nhỏ mới có thể cảm nhận hết được hương vị trong từng miếng bánh. Thưởng thức xong rồi mà mùi thơm của bánh vẫn còn phảng phất đâu đây mãi chẳng rời.
Để làm được chiếc bánh tai ngon thì trước tiên là phải chọn được loại gạo tẻ ngon, trắng, dẻo, đây là khâu quan trọng quyết định đến chất lượng của chiếc bánh tai. Xong rồi đến kỹ thuật làm bánh, nhân bánh. Qua những bàn tay nhào nặn tài tình, những bí quyết gia truyền riêng, những chiếc bánh tai nóng hổi đã ra lò thơm mùi bột quyện trong mùi thịt, hành ngây ngất.
Rau sắn muối chua
Một trong những đặc sản vô cùng đặc biệt của mảnh đất vua Hùng là rau sắn muối chua. Rau sắn muối ngon thì phải biết chọn nguyên liệu. Những búp sắn non mập mạp còn nguyên lớp phấn mịn phía đầu chồi, hái về ngâm qua nước cho bớt nhựa rồi được vò nát. Người vò phải khéo léo làm sao cho lá sắn mềm, sóng đều nguyên búp chứ không vụn thành từng đoạn. Sau khi vò xong, trộn lá sắn với chút muối cho thêm vị đậm đà. Rau sắn sau khi đã trộn muối đem cho vào vại hoặc bình, để 4 đến 5 ngày ủ chua. Từ thứ dưa rau sắn này, người ta có thể xào, nấu canh cá, làm nộm (gỏi), kho cá…
Mỗi món ăn mang một hương vị thân thương của gia đình, của tình yêu quê hương của những người con xa quê khi nhớ về.