Trước việc Thái Lan “tổng xả kho” gạo, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, đồng thời, đề nghị Bộ NNPTNT vào cuộc hỗ trợ nông dân.Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng, việc Thái Lan muốn bán ra ồ ạt khoảng 12 triệu tấn gạo tồn kho sẽ khiến gạo Việt Nam đối mặt nhiều nguy cơ, thách thức, xuất khẩu có thể bị cạnh tranh gay gắt… Bộ này cũng khẳng định, cạnh tranh không chỉ từ Thái Lan mà còn từ các đối thủ khác như Myanmar, Campuchia, Ấn Độ…
Ngoài ra, trước lo ngại nước ngoài sẽ mua gạo đổ xô mua Thái với giá rẻ, gây áp lực giảm giá lên gạo Việt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, do hiện chưa biết giá cụ thể của Thái Lan nên Bộ Công Thương đã chỉ đạo các giải pháp cụ thể.
Một kho gạo ở Chomtong, tỉnh Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: Bloomberg
Cũng theo ông Hải, Việt Nam hoàn toàn có thể tập trung vào những hợp đồng bán gạo nhỏ hơn, những thị trường như Trung Cận Đông, châu Phi… Đồng thời, Bộ này cũng đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thị trường, giới thiệu quảng bá gạo Việt.
Phản ứng lần này của Bộ Công Thương được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành cho là đã có phần nhanh nhạy hơn. Vì trước đây, nhiều lần trả lời báo chí, cơ quan này chỉ ngắn gọn “chúng tôi chưa nắm thông tin”, hoặc “sẽ cho kiểm tra lại”…
Thế nhưng, “giải pháp cụ thể” là gì thì ông Hải đã “từ chối tiết lộ thêm”. Còn nữa, tại sao lại là “tập trung vào những thị trường như Trung Cận Đông, châu Phi...” trong khi đây là những thị trường chuộng gạo cấp thấp, giá rẻ? “Châu Phi chỉ cần đảm bảo lương thực cho người dân nên cần gạo giá rẻ, số lượng lớn, chắc chắn họ sẽ tập trung vào mua gạo Thái Lan. Nếu muốn mua gạo Việt họ cũng sẽ dựa vào việc Thái Lan xả kho để ép giá”, ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) phân tích.
Chưa hết, so với các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, thậm chí cả Campuchia… Việt Nam gặp bất lợi về vị trí địa lý khi xuất khẩu vào châu Phi. Đường xa khiến chi phí vận chuyển, bảo quản gạo Việt Nam tăng cao hơn đến 20USD/tấn so với các nước khi nhập khẩu vào châu Phi. “Muốn cạnh tranh vào châu Phi thì phải giảm giá. Mà giảm giá nữa thì lấy gì ăn? Lợi nhuận của cả nông dân, doanh nghiệp đều đã teo tóp hết rồi”, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo than thở.
Ở khía cạnh khác, ông Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng, việc xúc tiến mở rộng thị trường gạo chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi sản phẩm gạo của Việt Nam hiện nay vẫn đơn điệu, chỉ có gạo trắng hạt dài, trong khi đây là sản phẩm bị cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ…
“Gạo ứ đọng thì cần đưa đoàn đi tìm kiếm thị trường nhưng phải cân nhắc, nếu sản phẩm tốt, thế giới có nhu cầu thì họ sẽ tới đặt hàng chứ không cần phải đi xúc tiến” - vị chuyên gia này nêu ý kiến. Theo ông Bảnh, muốn xúc tiến xuất khẩu gạo trước hết phải biết thị trường cần gì để có chiến lược sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nếu cứ “đẩy mạnh xúc tiến” mà các tiêu chí về giống, dư lượng thuốc trừ sâu, sự đa dạng của sản phẩm… không đáp ứng thì cũng không thể nào bán được hàng.
Cùng với việc gồng gánh chịu đựng thiên tai, hạn mặn, sản xuất nông nghiệp thiệt hại đủ đường, hàng triệu nông dân ĐBSCL và người trồng lúa cả nước đang “nín thở” chờ tín hiệu mới từ thị trường. Thế nhưng, những giải pháp của cơ quan chức năng đưa ra có vẻ không có gì mới.