Tốn tiền lại cực thân
Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) có một số công ty bán hàng đa cấp về quảng cáo bán sản phẩm TPCN làm đẹp da, như tảo xoắn, tảo beauty... Chị Hoàng Thị Thơm (xã Vĩnh Tân) cho biết: “Thấy có nhiều người mua, tôi cũng mua mấy hộp tảo beauty, với giá 200.000 đồng/hộp để chữa nám da. Tuy nhiên sau hai tháng uống thuốc, da mặt tôi sạm đi, sần sùi và mẩn đỏ. Đi khám, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị dị ứng, viêm da cơ địa do uống nhầm thuốc không rõ nguồn gốc”.
Ba sản phẩm chị Nguyễn Thị Hiếu được giới thiệu mua và sử dụng đã khiến chị phải vào viện. |
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hiếu bán hàng tại chợ Lệ Trạch (Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng) bị viêm nang lông dạng nhẹ. Chị được mọi người “chẩn đoán” là nóng gan nên khuyên dùng loại TPCN là L-cystine uống kết hợp cùng Omega-3 và Bar (thuốc lợi gan mật) sẽ khỏi ngay tức thì, da lại đẹp hơn lên.
Chị tìm đến hiệu thuốc để mua và làm theo chỉ dẫn của người tư vấn: thời gian đầu “uống tăng liều”, khi điều trị dứt thì mới uống duy trì mỗi thứ 1 viên. Tuy nhiên, sau 1 tháng sử dụng, bệnh cũ không hết mà chị phải vào Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng trong tình trạng mẩn đỏ, bóng nước mọc đầy cánh tay, ngực và lưng...
Chị Hiếu nói: “Loại này bán ở hiệu thuốc hẳn hoi nên tôi mới mua về uống. May mà không thiệt thân”. Điều đáng nói, loại thuốc chị Hiếu đã dùng đều là TPCN chứa các loại vitamin (A, D, E, C…) và nguyên tố vi lượng (đồng, kẽm, selen, crôm…) có tác dụng bồi dưỡng cơ thể, nâng đỡ sức đề kháng… chứ không hề có tác dụng chữa bệnh như chị được giới thiệu. Được biết, 3 lọ thuốc trên giá gần 500.000 đồng (dùng khoảng nửa tháng) và chị đã dùng trong thời gian dài, tốn cả đống tiền.
Muôn nẻo thực phẩm chức năng
Khi đội quân bán hàng đa cấp ào ạt về nông thôn quảng cáo, rỉ tai, mời chào mua TPCN, nhiều nông dân đã không ngần ngại bỏ ra tiền triệu để “rước bực vào thân”. Bà Nguyễn Thị Hồng (xã Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội) cho biết, cách đây vài năm, các công ty bán TPCN đã tràn về các vùng quê: “Nhưng hồi đó sản phẩm toàn tiền triệu, bà con không dám mua”- bà Hồng nói.
Giờ đời sống khá lên, nhiều người có tiền bán đất hoặc làm ăn được bắt đầu quan tâm tới sức khoẻ, nên đã mua đủ thứ TPCN được quảng cáo làm từ cao trăn, cao ngựa bạch tới sữa ong chúa, linh chi, thuốc làm đẹp da, bổ gân… “Những sản phẩm này làm dưới dạng thuốc, bán rất nhiều ở nông thôn, chả ai biết được chất lượng thế nào, tin nhau là chính”- bà Hồng cho biết.
Chị Lê Mai - chủ một hiệu thuốc tây ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) thì cho biết, thời gian gần đây, ngày nào chị cũng tiếp hai, ba lượt nhân viên tiếp thị đến “rủ rê” chị bán TPCN với hoa hồng cao. “Tôi từ chối hết, vì bán sản phẩm này mà không nói rõ là lừa bà con”.
Chị Mai cho biết thêm, đội quân này có khá nhiều chiêu thức lôi kéo khách hàng. Ví dụ như do hiểu được tâm lý nam giới ở nông thôn rất ngại đến tiệm thuốc để mua thuốc rối loạn cương dương, nên một số tư vấn viên đã không ngại miệng ba hoa các loại TPCN có khả năng cải thiện tình dục. Thậm chí với cả các sản phẩm chả có liên quan gì, như TPCN can xi sữa trà cũng được giới thiệu là “sẽ cải thiện đời sống tình dục của các quý ông”.
Hay như sản phẩm Forever Multi – Maca được quảng cáo là loại thần dược của dân tộc Incas, tăng cường và cải thiện khả năng tình dục. “Chỉ với một số loại sản phẩm nhất định phối hợp với nhau mà lại dùng để trị hàng trăm thứ bệnh từ đục thuỷ tinh thể, bướu cổ, lao phổi, tiểu đường, Parkinson, Alzheimer, viêm màng ngoài tim cho đến liệt dương, rối loạn chức năng buồng trứng. Nếu người nào không hiểu biết và vì lợi nhuận thì chắc cũng thu nhận để trưng bày và bán thử ngay thôi”- chị Mai tâm sự.
Vũ Vân Anh - Minh Nguyệt